Ưu việt của thép Hòa Phát áp dụng công nghệ luyện từ quặng chất lượng cao

22/01/2020 15:15

Gia nhập thị trường thép từ 2001, Hòa Phát luôn khẳng định vị thế trên thị trường với các sản phẩm đạt chất lượng vượt trội. Với tâm huyết dẫn đầu bằng chất lượng, các Khu liên hợp của Hòa Phát có công nghệ hiện đại tiên tiến trên thế giới với công nghệ luyện thép lò thổi (BOF) từ Tập đoàn SMS - Đức và công nghệ luyện thép lò cao (BF) từ Danieli Corus - Hà Lan, sản xuất ra sản phẩm thép xây dựng luyện từ quặng, sạch tạp chất, chất lượng cao chuyên xây siêu công trình. Công nghệ sản xuất thép dẹt (HRC) sử dụng dây chuyền của Danieli – Italia có công nghệ mới nhất/tiên tiến nhất hiện nay - QSP (quality strip product).

HPG News đã có cuộc trao đổi với anh Ngô Đức Tuyên – Trưởng phòng Công nghệ, Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất về những điểm ưu việt của công nghệ sản xuất thép Hòa Phát. 

anh-tuyen-1

Lý lịch trích ngang:

  • Họ và tên: Ngô Đức Tuyên
  • Chức danh: Trưởng phòng Công nghệ
  • Quê quán: Thanh Hóa
  • Ngày vào Hòa Phát: tháng 01/2009
  • Sở thích cá nhân: học ngoại ngữ, du lịch, vẽ, viết lách.

Là một trong số những cán bộ cốt cán của Thép Hòa Phát Hải Dương được điều chuyển sang làm lực lượng nòng cốt của Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất tại Khu Kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi, anh Ngô Đức Tuyên đã cùng CBCNV của Công ty - những người đi thắp lửa lò cao, luôn mang trong mình tinh thần nhiệt huyết cháy bỏng, quyết tâm góp phần dựng xây một Tập đoàn Hòa Phát lên một tầm cao mới trong tương lai không xa.

ĐIỂM NHẤN CỦA THÉP HÒA PHÁT DUNG QUẤT LÀ THÉP DẸT HRC

Anh có thể giới thiệu về công nghệ sản xuất thép của Hòa Phát Dung Quất hiện nay?

Công nghệ và phương pháp sản xuất thép của Hòa Phát Dung Quất (HPDQ) tương tự các công ty thép lớn hiện nay trên thế giới. Xét về quy mô, HPDQ là một trong những khu liên hợp sản xuất lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Quy trình sản xuất khép kín đi từ thượng nguồn (nguyên liệu thô) tới hạ nguồn (thép thành phẩm). Thép thành phẩm bao gồm thép dài xây dựng, thép dự ứng lực, thép dẹt (HRC) với đa dạng chủng loại và kích thước. Điểm nhấn của HPDQ là sản phẩm thép dẹt. Sản phẩm thép dẹt này yêu cầu rất khắt khe và chặt chẽ từ khâu lựa chọn nguyên liệu cho tới công đoạn nấu luyện và cuối cùng là công đoạn cán. Khâu cán được thiết kế, cung cấp và lắp đặt bởi Tập đoàn Danieli – Italia, đây là công nghệ mới nhất/tiên tiến nhất hiện nay trên thế giới do Danieli phát triển với tên gọi QSP (quality strip product). Thép lỏng sau khi nấu luyện đạt chất lượng sẽ được chuyển sang Nhà máy QSP, tại đây quy trình đúc-cán liên tục được diễn ra với đầu vào là thép lỏng và đầu ra là thép tấm dẹt HRC. Việc làm chủ được công nghệ và dây chuyền sản xuất HRC là một thách thức rất lớn đối với toàn bộ cán bộ công nhân viên của Nhà máy QSP cũng như các phòng ban liên quan.

anh-tuyen-2

Ngoài điểm nhấn là sản phẩm HRC với công nghệ QSP từ Italia, HPDQ còn lựa chọn công nghệ luyện thép lò thổi (BOF) từ Đức-Tập đoàn SMS và công nghệ luyện thép lò cao (BF) từ Hà Lan – Danieli Corus để đảm bảo chắc chắn rằng tất cả các khâu sản xuất quan trọng nhất đều được vận hành trơn tru, logic, khoa học nhất, thân thiện môi trường nhất và chi phí sản xuất thấp nhất.

Theo thiết kế của dự án, công suất dự kiến của nhà máy QSP (sản xuất thép cuộn cán nóng HRC) là 2 triệu tấn/năm và sẽ cho ra sản phẩm đầu tiên vào quý II/2020.

Clip 3D mô tả quy trình công nghệ sản xuất KLH Thép Hòa Phát Dung Quất xem tại đây

Việc lựa chọn thiết bị công nghệ có vai trò ra sao trong sự thành công của dự án?

Thiết bị công nghệ đóng vai trò cốt lõi trong sự thành công của dự án. Chúng ta không thể vận hành một bộ máy trơn tru khi bộ máy đó không chạy được hoặc chạy được nhưng bị vấp. So với dự án ở Hải Dương thì thiết bị công nghệ của HPDQ được cập nhật các công nghệ mới hiện đại hơn cũng như tính tự động/liên động vượt trội hơn nhiều. Cũng chính vì vậy mà tất cả mọi người đều phải cố gắng nỗ lực để nắm bắt và hiểu được giá trị.

 

CÔNG NGHỆ KHÔNG XẤU, CHỈ LÀ NGƯỜI TA SỬ DỤNG CÔNG NGHỆ ĐÓ NHƯ THẾ NÀO MÀ THÔI

Lâu nay nhiều người thường nghĩ về ngành thép với cái nhìn thiếu thiện cảm. Vậy nên hiểu công nghệ sản xuất thép như thế nào cho chính xác?

Công nghệ không xấu, chỉ là người ta sử dụng công nghệ đó như thế nào mà thôi. Trước đây Trung Quốc cũng mua thiết bị công nghệ từ các nước phát triển như Nhật, Mỹ, Đức… Dần dần họ tự nghiên cứu, tự sản xuất ra thiết bị để giảm chi phí. Năm 1978, người Nhật đã hỗ trợ Trung Quốc xây dựng nhà máy gang thép BaoSteel ở Thượng Hải, mở ra một thời kỳ mới rực rỡ mà tăng trưởng của Trung Quốc luôn là 02 con số.

anh-tuyen-3

Anh Ngô Đức Tuyên tham gia hội chợ công nghệ nổi tiếng thế giới chuyên về Luyện kim - Metec 2019 tại Dusseldorf - Đức.

Trên thế giới hiện nay có 02 tuyến quy trình công nghệ khác nhau để sản xuất thép. Tuyến 01: quặng → lò cao → lò thổi → đúc/cán thép. Tuyến 02: phế liệu → lò điện → đúc/cán thép. Tuyến 01 có thể sản xuất được các sản phẩm thép dài và thép dẹt nhưng tuyến 02 chỉ có thể sản xuất các sản phẩm thép dài (thép xây dựng thông thường). Các thành tố lò cao, lò thổi, lò điện, đúc, cán chính là công nghệ. Các công nghệ này là phổ biến trên thế giới, có nguồn gốc từ Châu Âu và có quy chuẩn chung trong phương pháp vận hành. Trong quá trình vận hành sản xuất, con người có thể cải tạo, cải tiến hoặc nghĩ ra các kỹ thuật mới, phương pháp mới để tối ưu hóa quá trình sản xuất.

Hòa Phát áp dụng công nghệ lò cao, lò thổi trong sản xuất thép từ quặng với dây chuyền công nghệ được nhập khẩu từ Đức, Hà Lan sạch tạp chất, có thể sản xuất được các mác thép chất lượng cao chuyên xây siêu công trình, đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe nhất của các nước châu Âu, Mỹ, Nhật…

anh-tuyen-4

Ngoài lựa chọn công nghệ tốt nhất, hiện đại nhất, trong sản xuất thép, Hòa Phát luôn thực hiện quy trình kiểm soát chất lượng một cách nghiêm ngặt với hệ thống máy móc, phòng thí nghiệm phân tích tự động chất lượng gang thép và khu thử nghiệm cơ lý sản phẩm với tổng trị giá lên tới trên 100 tỷ đồng, góp phần kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm.

Nhiệm vụ chính của phòng Công nghệ hiện nay và hoạt động phối hợp giữa Phòng Công nghệ với các nhà máy trong Khu liên hợp?

Đúng ra phải gọi là phòng sản xuất thì bao hàm hơn. Mình đi giới thiệu làm ở phòng công nghệ mà ai cũng hỏi là công nghệ thông tin à J.

Một số nhiệm vụ chính của Phòng Công nghệ hiện nay là lập các quy trình công nghệ, hướng dẫn công nghệ cho các công đoạn sản xuất chính trong KLH; Lập kế hoạch sản xuất cho các hạng mục trong KLH, điều độ sản xuất giữa các hạng mục sản xuất; Lập nhu cầu vật tư tiêu hao, dự phòng cho hoạt động sản xuất trong KLH; Lập tiêu chuẩn vật tư, định mức tiêu hao vật tư, tiêu chuẩn thành phẩm – bán thành phẩm trong KLH

Ngoài ra Phòng Công nghệ còn giám sát các quá trình công nghệ sản xuất trong KLH; Lập báo cáo tổng hợp sản xuất của các hạng mục sản xuất cho từng kỳ sản xuất; Phân tích, đánh giá hiệu quả sản xuất/ hiệu quả của các hoạt động công nghệ trong KLH; Lập báo cáo về tình hình hoạt động công nghệ trong KLH, đề ra các kiến nghị hành động khắc phục – phòng ngừa, cải tiến công nghệ.

Phòng Công nghệ luôn là cầu nối giữa các Nhà máy và BGĐ Công ty cũng như các phòng ban liên quan như Kế toán, Vật tư, Thống kê. Đồng thời cũng là cầu nối giữa Nhà máy này với Nhà máy khác. Mỗi một lệnh sản xuất được ban hành thì kéo theo rất nhiều hoạt động sản xuất của các bộ phận/nhà máy liên quan. Do đó, Phòng Công nghệ còn là trung tâm điều phối sản xuất.

Chia sẻ của anh trước thềm năm mới Canh Tý?

Nhân dịp năm mới, xin chúc Ban lãnh đạo Tập đoàn, Ban giám đốc Công ty và các CBCNV sức khỏe và thành công, chúc Tập đoàn Hòa Phát của chúng ta ngày càng phát triển!  

Xin cảm ơn anh và chúc anh một năm mới thành công!

HPG News

Bình luận

Gửi email
Chat với chúng tôi
Về đầu trang