Từ cô nhân viên trẻ đến “Nữ tướng” Thép Hòa Phát Dung Quất

28/01/2019 10:35

Tóc cắt ngắn bồng bềnh, ăn mặc sang trọng quý phái, phong thái nhẹ nhàng, mềm mỏng nhưng người phụ nữ giống đại sứ ngoại giao này lại chọn thép, một ngành công nghiệp nặng có phần khô cứng. Trong cuộc sống chị rất nữ tính nhưng trong công việc, với đối tác, khi đàm phán chị thể hiện đúng “chất thép” mạnh mẽ, cứng rắn và quyết đoán. Chị là Vương Ngọc Linh, nữ Phó Giám đốc duy nhất trong dàn lãnh đạo Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất, tham gia quản lý dự án trọng điểm - “quả đấm thép” mang tính chiến lược trong dài hạn của Tập đoàn trên hành trình vào Top 50 DN thép lớn nhất thế giới.

Gia nhập Hòa Phát khá sớm từ thời gian đầu khi công ty mới hoạt động, chị có thể chia sẻ với độc giả về quá trình đó?

Chị vào Hòa Phát làm việc ngày 20/9/1998, người trực tiếp phỏng vấn tuyển dụng là anh Tạ Tuấn Quang – Giám đốc Công ty Điện lạnh hiện nay. Đi học sớm 1 năm, đi làm chị là nhân viên trẻ nhất của phòng bán hàng công ty, sau đó chị chuyển sang phòng R&D và bắt đầu tham gia các dự án mới như gỗ, dự án NM mạ nội thất.

Từ cô nhân viên trẻ lon ton đi theo các sếp, những kinh nghiệm học hỏi được từ các dự án này đã giúp chị tự tin tham gia dự án đầu tiên về sản xuất thép của Hòa Phát - Nhà máy cán thép đầu tiên ở Hưng Yên, dự án lớn nhất thời điểm những năm 2000. Và tiếp đó là dự án sản xuất thép từ phế liệu giai đoạn 2006 và dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hải Dương năm 2008.

Cơ duyên nào khiến chị đến với Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, dự án “khủng” của Tập đoàn? Những kỷ niệm của chị khi chuyển sang dự án trọng điểm này?

Khi bắt đầu triển khai dự án Dung Quất, các sếp hỏi chị có tham gia dự án mới không, chị đã quyết định nhận lời luôn mà không suy nghĩ nhiều vì chị thích những dự án mới, muốn được thử thách ở những dự án lớn. Và năm 2016, chị chính thức chuyển sang dự án thép Dung Quất. Khối lượng công việc lớn, choáng ngợp, nhưng nhân sự của dự án thép Dung Quất cũng đều từ dự án thép Hải Dương, đã thành một ekip nên mọi việc vào guồng rất nhanh.

Nhớ lại hồi dự án Dung Quất mới triển khai, mảnh đất trống hàng trăm ha do Quảng Liên để lại chỉ là chỗ cho bò gặm cỏ. Thế rồi những nhà máy, lò cao, cảng biển dần hình thành, cùng với đó là những chuyến bay đi bay về như con thoi giữa Hà Nội và Quảng Ngãi - Dung Quất. Nếu có tính hạng điểm thưởng dặm bay, các anh chị của Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất khéo được hàng không xếp vào loại khách VIP ấy chứ.

Đó còn là kỷ niệm về những chuyến đi thăm và làm việc với các chủ mỏ quặng sắt lớn nhất thế giới để tạo nguồn cung cấp quặng sắt ổn định và dài hạn cho các nhà máy thép của Hòa Phát hay “thám hiểm” những mỏ than luyện coke hầm lò ở độ sâu hàng trăm mét, tương đương toà nhà 170 tầng.

Chị Linh dưới mỏ than có độ sâu tương đương toà nhà 170 tầng

Chị phụ trách mảng vật tư, nguyên liệu cho Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất - đầu vào khá quan trọng cho Khu liên hợp mà trong sản xuất thép, nguyên nhiên liệu chiếm đến trên 90% giá thành. Đảm nhiệm lĩnh vực này có khó không chị?

Trừ một năm mới vào làm bán hàng, 20 năm còn lại ở Hòa Phát chị phụ trách mảng vật tư. Đó là công việc đòi hỏi sự minh mẫn khi so sánh các bản chào hàng của nhà cung cấp, rồi phân tích các thông số, so sánh năng lực, thị trường, uy tín của đối tác để tổng hợp lại cho BGĐ, tư vấn lãnh đạo quyết định…. Đối với những dự án lớn như KLH thép Hòa Phát Hải Dương, Dung Quất thì người làm vật tư lại phải có những “chiêu” để nhà cung cấp đưa ra giá sát nhất, tốt nhất cho Hòa Phát.

Về nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy không thể mua sự vụ nhỏ lẻ được mà phải có tầm chiến lược dài hơi. Có thỏa thuận hợp đồng với đối tác từ 1 năm, 2 năm thậm chí là hợp đồng 25 năm.

Đối tác nào khiến chị ấn tượng nhất?

Trong số các đối tác lâu năm, chị ấn tượng nhất là Danieli (Ý), đối tác đã theo chị 20 năm từ khi là cô nhân viên trẻ lon ton theo các sếp cho đến lúc chị có thể tự quyết những hợp đồng rất lớn. Danieli đã đồng hành cùng với thành công của Hòa Phát, gắn bó với nhau như những người bạn chí cốt lâu năm, dành nhiều tình cảm cho nhau. Thậm chí, Danieli còn “ưu ái” đặt tên cho chị là Ms. Discount vì chị luôn phân tích giá, đàm phán giá tốt nhất cho Hòa Phát. Mặc dù “ngại” khi đàm phán giá nhưng đối tác lại rất thích cách làm việc của chị, một là một hai là hai, không do dự, đã đưa ra rồi thì không bao giờ rút lại.

Là "nữ tướng" tại công ty, công việc bận rộn, vậy khi về nhà là người phụ nữ của gia đình chị sẽ làm gì?

Gia đình rất quan trọng, là số 1, chỗ dựa vững chắc để hỗ trợ cho công việc nên về nhà, chị vẫn làm tròn vai trò người vợ, người mẹ của ba đứa con. Vẫn chịu khó “lăn” vào bếp như thường!

Lịch trình công tác liên tục nhưng chị luôn cố gắng sắp xếp ở nhà chiều thứ bảy học làm bánh để có thể tự làm cùng con gái ở nhà vào cuối tuần. Chị cũng thích món nem truyền thống và thỉnh thoảng trổ tài làm món này cho gia đình

Nếu được lựa chọn công việc của mình từ đầu, chị có chọn thép?

Với chị trở thành một thành viên trong đội ngũ của thép Hòa Phát 21 năm qua là một may mắn, có cơ hội được tham gia, thử thách, tôi luyện ở những dự án “khủng” của Tập đoàn. Đặc biệt là được trực tiếp làm việc với những con người của thép, lãnh đạo quyết đoán, sáng suốt, anh em đồng nghiệp nhiệt huyết, quyết liệt và cũng không kém phần hài hước. Nếu được chọn lại chị cũng vẫn chọn thép!

Hồng Hạnh (thực hiện)

 

Bình luận

Gửi email
Chat với chúng tôi
Về đầu trang