Người phụ nữ HPG “chiến đấu oang oang” với nhà thầu trong phòng họp container nóng hầm hập…

20/08/2018 10:32

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chưa bao giờ chị từng nghĩ đến việc sẽ xa nơi này, xa những món ăn vặt mà nghĩ đến đã thấy thèm như bún ốc, ốc luộc hay vẻ đẹp tinh khôi, dịu dàng của những bó hoa loa kèn trắng. Nhưng với nhiệt huyết xây dựng dự án mới, khai phá thị trường cho sản phẩm HP Feed và Big Boss của Thức ăn chăn nuôi Hòa Phát Đồng Nai, chị đã Nam tiến để góp phần gây dựng cho thương hiệu thức ăn chăn nuôi (TACN) được thị trường đón nhận như ngày hôm nay. Cùng HPG News lắng nghe những chia sẻ của chị Trần Hải Yến – Phó giám đốc Công ty Thức ăn chăn nuôi Hòa Phát Đồng Nai nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Công ty (14/8/2018).

Bán cám khó hay bán thiết bị phụ tùng khó?

Bắt đầu ra thị trường đầu năm 2017, đến nay TACN của Hòa Phát Đồng Nai (HPĐN) đã được đón nhận bằng chất lượng sản phẩm và dịch vụ tốt, giá cả cạnh tranh. Không có con đường nào được trải sẵn hoa hồng nên chị có thể chia sẻ một chút về hành trình đạt được kết quả như hôm nay?

Trước tiên phải nói rằng ngành cám là một ngành có mức độ cạnh tranh rất khốc liệt. Để có được hệ thống đại lý và khách hàng trại trực tiếp hiện tại, toàn bộ cán bộ công nhân viên của HPĐN đã phải cố gắng nỗ lực gấp rất nhiều lần bình thường. Sở dĩ nói như vậy là vì HPĐN ra sản phẩm trong giai đoạn thị trường thức ăn chăn nuôi đi xuống. Giá heo giảm kỷ lục, người chăn nuôi thua lỗ chán nản, phá sản. Không một hộ chăn nuôi nào còn thiết tha nuôi nữa, họ để trống chuồng, bán tống bán tháo heo để vớt vát, bán trại để trả nợ.

Cám sản xuất ra không bán được. Các Công ty đã có thâm niên trong ngành cám hàng chục năm cũng sụt giảm sản lượng trầm trọng doanh số nên họ cũng vùng vẫy chống trả để không bị giảm, đua nhau giảm giá khuyến mại làm chương trình để lấy khách hàng. Vì là “lính mới”, Công ty phải tìm mọi cách nhanh nhất để có được những nhân lực tốt trong khâu sản xuất, bán hàng, làm thị trường nhằm cho ra chất lượng sản phẩm tốt, hệ thống bán hàng chuyên nghiệp như các công ty lớn đã có mặt trên thị trường; xây dựng đội ngũ sales máu lửa, nhiệt huyết khai phá thị trường cho một sản phẩm mới chưa có tên tuổi trong ngành như Hòa Phát.

Qua 2 năm, từ lúc người chăn nuôi chưa biết đến viên cám Hòa Phát như thế nào thì đến nay các sản phẩm mang thương hiệu HP feed và Big boss đã có mặt ở khắp các tỉnh thành từ Quảng Ngãi đến mũi Cà Mau và đang ngày càng chiếm được lòng tin yêu của bà con chăn nuôi phía Nam. Phía trước vẫn còn rất nhiều khó khăn và chúng tôi phải tiếp tục nỗ lực rất nhiều mới có thể đáp ứng được kỳ vọng và nhiệm vụ Tập đoàn giao cho.

Thiết bị phụ tùng theo em hiểu thì “khác xa” với thức ăn chăn nuôi. Làm sao mà chị Yến vượt qua thách thức này?

Khó khăn là phải học một ngành mới từ đầu, một ngành nghề hoàn toàn khác hẳn với những gì đã được học và làm từ khi ra trường đến giờ. Chị phải tìm hiểu quy trình làm ra viên cám như thế nào để có thể thực hiện tốt giai đoạn xây dựng nhà máy. Dự án xây dựng xong lại phải học hỏi để biết được cách bán cám và thiết lập thị trường vốn rất đặc thù này. Lúc đó, chị học từ bạn hàng, từ khách hàng và từ chính nhân viên của mình.

Bán cám khác hẳn với bán thép hay bán máy xây dựng. Đối tượng khách hàng là người nông dân và các đại lý. Không phải cứ bán giá rẻ, chất lượng tốt là đủ. Để có thể bán được hàng, phải hiểu được tâm tư tình cảm và mong muốn của họ. Thấy mình gần gũi chia sẻ và tình cảm thì họ mới hợp tác với mình. Khi tin tưởng và sử dụng cám tốt, chất lượng rồi người ta mới giới thiệu cho anh em họ hàng, bạn bè trong vùng sử dụng. Và bằng cách lan tỏa như vậy sản phẩm của Hòa Phát mới có thể thâm nhập vào thị trường. Việc chiếm lĩnh được một thị trường nào đó cần rất nhiều thời gian vì con heo ăn cám cần 3-4 tháng mới đánh giá được toàn bộ giai đoạn sử dụng cám có hiệu quả hay không. Không giống với thép có thể test ngay được chất lượng tại phòng lab hay kiểm tra máy hoạt động tốt êm bền qua thời gian vận hành chạy thử.

Tuy nhiên, những năm tháng được làm việc tại Công ty Thiết bị Phụ tùng đã giúp chị tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm về cơ khí và quản lý. Nhờ nắm được kỹ thuật nên ở giai đoạn dự án chị khá tự tin, vì biết những kiến thức cơ bản về máy móc thiết bị. Khi các nhà thầu nói về kỹ thuật chị nắm bắt được ngay và không khó khăn gì để hiểu được ý tưởng của họ cũng như yêu cầu họ phải làm theo ý muốn của mình. Trong giai đoạn quản lý nhà máy và con người, chị luôn học hỏi theo người chị, người sếp cũ là chị Vũ Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Công ty Thiết bị Phụ tùng Hòa Phát để áp dụng vào việc quản lý hiện tại của mình. Cho đến thời điểm này, chị thấy mọi việc khá ổn.

Trong vô số những khó khăn khi xây dựng dự án và làm thị trường cho sản phẩm, kỉ niệm nào khiến chị nhớ nhất cho tới lúc này?

Kỷ niệm thì nhiều nhưng có lẽ ấn tượng nhất là giai đoạn xây dựng nhà máy. Lúc đó mỗi lần đi xuống công trường về mặt mũi nhuốm một màu đỏ lòe của bụi đất đỏ. Đội mũ bịt mặt kín mấy khi ra khỏi công trường vẫn lem luốc. Trong buổi họp hàng tuần với các nhà thầu, cả một phòng họp tạm trong container nóng hầm hập toàn nam giới hàng chục người có mỗi mình chị là nữ chiến đấu oanh oang với các nhà thầu về yêu cầu công việc và tiến độ.

Nhiều lúc ngồi nhìn công trường không biết đến bao giờ mới xong được vì mùa mưa thì ngày nào cũng mưa mà mưa là phải dừng không làm được gì. Thế rồi mọi thứ cũng qua. Và bây giờ là một nhà máy hiện đại khang trang sạch sẽ trên nền đất đỏ bụi mù ngày nào. Nghĩ lại cũng thấy vui vui vì mình đã trải qua với nhà máy những ngày tháng đầu tiên đó.

Nhìn ảnh chị Yến hồi còn đi dự án xuống công trường đội mũ bịt mặt kín, đố ai nhận ra chị

Vẫn nhớ lắm bún ốc, hoa loa kèn…

Mục tiêu của TACN Đồng Nai trong thời gian tới là gì, thưa chị?  

TACN Đồng Nai hiện có 200 nhân viên bán hàng cùng hàng trăm đại lý cung cấp sản phẩm TACN gia súc gia cầm cho thị trường từ Quảng Ngãi đến Cà Mau, đặc biệt là vùng Đông Nam Bộ. Mục tiêu sắp tới là nhà máy có thể chạy full công suất vào cuối năm 2019.

Điều gì khiến chị nhớ nhất khi xa Hà Nội?

Chị nhớ những món ăn vặt mà mấy chị em bên Thiết bị phụ tùng ngày trước hay rủ nhau đi ăn buổi trưa như bún ốc, ốc luộc. Nhớ lắm nên nhiều khi cuối tuần chị mua về tự nấu lấy cho đỡ thèm :)

Vào Sài Gòn, chị thích món nào nhất?

Chị thích các món ốc trong này. Rất đa dạng mà giá lại rẻ nữa.

Chị Yến có thể chia sẻ một chút kinh nghiệm “Nam tiến” cho HPers?

Thú thật trước đây, Nam tiến là một việc chưa bao giờ chị từng nghĩ đến, bởi nghĩ đơn giản là mình sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, mọi thứ đều quen thuộc gần gũi thì đi đến một nơi xa lạ làm sao làm ăn, sinh sống tốt hơn được. Nhưng mà mọi thứ nó đến rất từ từ và có thời gian để thích nghi nên khi quyết định vào Nam chị cũng không quá hẫng hụt. Các cháu cũng ở giai đoạn học tập chuyển cấp nên cũng dễ dàng thích nghi với môi trường mới.

Lúc cùng ngồi ăn tối, chị vẫn hay kể cho chồng và các con về những chuyện trong công ty hay những việc gặp khi đi thị trường, nên mọi người trong gia đình đặc biệt là chồng chị rất chia sẻ và thông cảm với công việc của chị.

Bí quyết cân bằng giữa công việc và gia đình của chị Yến là gì? 

Thích cắm hoa nhưng hầu như chị không có thời gian cắm hay ngắm hoa. Chị rất thích hoa loa kèn. Nhìn nó lại nhớ về Hà Nội ghê gớm. Cứ vào mùa hoa loa kèn nếu có dịp ra Hà Nội hay có ai từ HN vào chị đều cố gắng nhờ cầm hộ một bó to vào cắm khắp nhà (Cười).  

Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Hồng Hạnh (thực hiện)

Bình luận

Gửi email
Chat với chúng tôi
Về đầu trang