Thép Hòa Phát vào bệ phóng

04/11/2015 09:13

Chỉ sau 16 tháng đầu tư, xây dựng, giai đoạn II Khu liên hợp gang thép Hòa Phát (KLH) đặt tại xã Hiệp Sơn (Kinh Môn, Hải Dương) chính thức đi vào hoạt động hôm 8/10/2013, khép kín quy trình sản xuất thép từ khai thác quặng đến cán thép trên quy mô lớn. Đây là dự án lò cao duy nhất trong số hơn mười dự án lò cao tại Việt Nam tính đến thời điểm này được triển khai đúng tiến độ, đem lại lợi thế cạnh tranh bứt phá của Hòa Phát so với những doanh nghiệp lớn cùng ngành.

Dự án trọng điểm đã đến đích

Theo thống kê hiện nay khoảng 70% sản lượng thép thô trên thế giới được sản xuất bằng công nghệ lò cao. Tuy nhiên ở Việt Nam, các doanh nghiệp đầu tư công nghệ luyện thép bằng lò dạng này, tổ chức dưới hình thức các khu liên hợp lại đếm trên đầu ngón tay. Bởi đi theo cách thức sản xuất từ khai quặng đến làm ra sản phẩm cuối cùng là thép cán đòi hỏi doanh nghiệp phải có tiềm lực tài chính mạnh, năng lực quản trị doanh nghiệp quy mô lớn và chuẩn bị cả việc tiêu thụ đầu ra thật tốt mới có thể cân bằng được hiệu quả đầu tư và đảm bảo sinh lời. Bằng không, khả năng hụt hơi vì chạy theo đầu tư lớn rất dễ xảy ra.

Cùng thời điểm Hòa Phát bắt đầu dự án sản xuất thép lò cao, có nhiều dự án khác tại Việt Nam cũng triển khai đầu tư. Tuy nhiên đến thời điểm này, duy nhất Hòa Phát đi đến đích, đưa sản phẩm ra thị trường. Một số dự án lớn khác hoặc không thể triển khai tiếp, hoặc vẫn đang đầu tư với số vốn lớn hơn dự toán rất nhiều, chỉ nhằm nâng cao một công đoạn trong quy trình sản xuất nhưng vẫn chưa xác định ngày đi vào sản xuất.

Còn với  tổng vốn đầu tư tài sản cố định hơn 8.000 tỷ đồng, Hòa Phát hoàn thành cả hai giai đoạn của Khu liên hợp. Giai đoạn I công suất 350.000 tấn thép cán, mang về doanh thu và lợi nhuận thực tế từ năm 2010, bổ sung vốn cho việc tiếp tục đầu tư giai đoạn II, nâng tổng công suất luyện và cán thép của cả tập đoàn lên 1,15 triệu tấn/năm với quy mô sản xuất khép kín, tại chỗ.

1

Công nghệ lò cao mang lại sức cạnh tranh vượt bậc cho thép Hòa Phát

Như vậy, tính đến thời điểm này, dự án sản xuất thép lò cao của Hòa Phát tính cả hai giai đoạn, đặc biệt là giai đoạn II với thời gian đầu tư chỉ 16 tháng đã đi vào sản xuất đạt tiến độ triển khai nhanh nhất ngành thép. Đặt trong bối cảnh toàn ngành thép hiện nay có khoảng 30% doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, 50% sử dụng công nghệ ở mức trung bình và 20% còn lại sử dụng công nghệ tiên tiến ở các mức độ khác nhau thì Hòa Phát thuộc tốp 20% dẫn đầu với công nghệ tiên tiến nhất.

Quy mô sản xuất lớn, công nghệ tiên tiến cộng với thời gian đầu tư nhanh, hiệu quả quản trị doanh nghiệp tốt tạo nên hiệu quả quay vòng đồng vốn, nâng cao sức cạnh tranh của thép Hòa Phát một cách rõ nét.

Tận dụng tối đa quy trình sản xuất hiện đại

Nhiều câu hỏi của chính các doanh nghiệp cùng ngành thép và những người quan tâm đến ngành théo đặt ra là tại sao trong bối cảnh kinh doanh ngành thép vài năm gần đây hoạt động khó khăn, thua lỗ nhiều, kể cả các công ty hàng đầu cũng không tránh khỏi thì Hòa Phát vẫn tiếp tục đầu tư và tăng trưởng mạnh cả doanh thu, lợi nhuận cũng như thị phần. Những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến kết quả này nằm ở đâu?

Thực ra nếu “mổ xẻ” kỹ cả một quy trình sản xuất thép Hòa Phát từ khâu đầu đến khâu cuối, dựa trên quy mô phát triển tích hợp theo trục dọc (quy trình sản xuất khép kín chủ động từ hạ nguồn đến thượng nguồn) thì đã thấy được một phần trong lợi thế cạnh tranh. Bởi tạo dựng nên được quy trình sản xuất này đòi hỏi quá trình chuẩn bị kiên trì, bài bản, đúng hướng cộng với quy mô lớn và khả năng quản trị cao. Cũng có một số doanh nghiệp hàng đầu ngành thép đi theo mô hình đầu tư này nhưng doanh nghiệp chủ động , có lợi thế về nguồn nguyên liệu lại không biến những lợi thế đó vào giá thành sản xuất, giảm chi phí để tăng sức cạnh tranh. Có doanh nghiệp quản trị tốt, sẵn sàng cạnh tranh thì lại không chủ động được nguyên liệu. Hòa Phát đã tận dụng đầy đủ lợi thế từ quy trình sản xuất khép kín để mang lại tỉ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư năm 2012 là 12,75%.

Quy mô sản xuất lớn khu liên hợp thép của Hòa Phát đã là một lợi thế. Lợi thế ấy không chỉ là một phần dây chuyền sản xuất mà nằm ở toàn bộ khu liên hợp được đầu tư hiện đại và đồng bộ . Nó dẫn đến kết quả giảm chi phí nhiên liệu cũng như chí phí vận hành.

Ví dụ công nghệ lò điện mà nhiều doanh nghiệp lớn hiện nay đang sản xuất tiêu thụ hết 400 kWh đến 450 kWh để sản xuất được một tấn phôi. Còn lò cao của Hòa Phát chỉ hết 300 kWh/tấn.

Nói tóm lại, công nghệ lò cao đã giúp Hòa Phát giảm 10% đến 15% lượng tiêu thụ điện năng trên mỗi tấn thép sản xuất ra so với hầu hết các nhà máy sử dụng công nghệ lò điện. Rồi tập đoàn lại tự chủ được khoảng 40% nhu cầu điện năng cho Khu liên hợp gang thép do trong quá trình tự sản xuất than coke đã thu hồi được lượng nhiệt dư để phát điện. Tất nhiên, để có thể biến khí thải thành điện, Hòa Phát phải đầu tư đồng bộ cả một nhà máy điện cỡ 32 MW, tương đương một nhà máy điện cỡ vừa trong tổng sơ đồ điện quốc gia.

2

Với Khu liên hợp gang thép, Hòa Phát đã vào bệ phóng trong lĩnh vực kinh doanh thép

“Chúng tôi kiểm soát được toàn bộ chi phí đầu vào, định mức tiêu hao nhiên liệu/tấn sản phẩm. Và yêu cầu định mức chi phí nhiên liệu, đầu vào ngày càng phải cải tiến hơn để gia tăng lợi thế và giảm thiểu tối đa chi phí, tạo ra sản phẩm giá cạnh tranh nhất”, Ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc tập đoàn khẳng định. Ông bổ sung thêm rằng nếu không quản trị tốt cả một quá trình đầu tư quy mô lớn đến các yếu tố cấu thành chi phí thì giá bán ra của thép Hoà Phát không thể thấp hơn 5% đến 10% so với các công ty trong ngành và sức cạnh tranh cao hơn mức trung bình của các nước ASEAN. Thậm chí các đơn hàng xuất khẩu thép của Hòa Phát đi nước ngoài, nếu trừ đi 15 đô la phí vận chuyển/tấn vẫn có lãi.

Nhờ đó vị thế hàng đầu của thép Hòa Phát trong ngành thép Việt Nam ngày càng gia tăng hơn nữa.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Bình luận

Gửi email
Chat với chúng tôi
Về đầu trang