Tập đoàn Hòa Phát xác lập vị thế mới

16/10/2015 10:24

Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đang đàm phán, ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược, tái cấu trúc trúc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính là công nghiệp, xây dựng và thương mại hoạt động hiệu quả hơn, đẩy mạnh đầu tư bất động sản và góp vốn đầu tư vào một số doanh nghiệp khác để tạo thế và lực mới trước khi niêm yết cổ phiếu trên TTCK, chậm nhất vào cuối năm 2007.   HPG và Sacom trở thành đối tác chiến lược.   CTCP Cáp và Vật liệu viễn thông (Sacom) là đối tác thứ 2 mà HPG ký thỏa thuận hợp tác chiến lược tiếp theo Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Sacom trở thành cổ đông chiến lược của HPG sau khi 2 bên ký thỏa thuận hợp tác vào ngày 8/3 vừa qua, tại Hà Nội. Theo thỏa thuận hợp tác này, Sacom tham gia góp vốn vào HPG tương đương 4,5 triệu cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần và HPG góp vốn vào Sacom tương đương 2 triệu cổ phần.   HPG và Sacom cam kết sử dụng sản phẩm và dịch vụ của nhau để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Sacom sẽ giúp HPG gia tăng thị phần tại thị trường miền Nam và ngược lại, HPG sẽ giúp Sacom phát triển thị phần tại thị trường miền Bắc. Hai doanh nghiệp này cũng sẽ hợp tác xúc tiến hoạt động đầu tư trong lĩnh vực tài chính, địa ốc, chứng khoán... là những lĩnh vực mà cả hai bên đều có chung mục tiêu là mở rộng đầu tư. Những cam kết trong thỏa thuận vừa được ký kết cho thấy sự hợp tác lâu dài giữa HPG, một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu ở Việt Nam chiếm ưu thế thị trường ở khu vực phái Bắc và Sacom, một tên tuổi có tiếng ở thị trường phía Nam, sẽ đem lại hiệu quả thiết thực cho cả hai bên trong mở rộng thị trường và quy mô hoạt động trên cả nước. Chính vì thế, chỉ sau một thời gian ngắn đàm phán, HPG và Sacom đã nhanh chóng đi đến thỏa thuận. Ông Đỗ Văn Trắc, Chủ tịch HĐQT Sacom nhấn mạnh: “Tôi có niềm tin đặc biệt vào lãnh đạo của Tập đoàn này, nên chọn mặt gửi vàng”. Còn ông Trần Đình Long, Chủ tích HĐQT HPG cho biết, việc này sẽ tạo đà để HPG tiếp tục ký thỏa thuận với đối tác chiến lược khác cũng như trở thành cổ đông chiến lược, đầu tư tài chính vào đối tác và một số công ty khác. Được biết, hiện nay một số ngân hàng, quỹ đầu tư đang quan tâm tới cơ hội hợp tác kinh doanh cũng như góp vốn đầu tư vào HPG. HPG sẽ niêm yết trong năm 2007.   Mục tiêu mới của HPG là sẽ niêm yết cổ phiếu trên TTGDCK TP.HCM, chậm nhất vào cuối năm 2007. Trong quý 2 tới HPG sẽ tăng thêm 220 tỷ đồng vốn điều lệ bằng phát hành thêm 22 triệu cổ phần cho đối tác chiến lược và phát hành ra công chúng qua đấu giá. Vốn huy động được đầu tư xây dựng nhà máy xi măng công suất 2 triệu tấn/năm tại Phủ Lý. Dự án có tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng, dự kiến đóng góp khoảng 800 tỷ đồng doanh thu khi hoạt động vào năm 2009. Nhìn lại hình sử hình thành và phát triển trong 16 năm qua, HPG luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao. Khởi đầu vào năm 1992 chỉ là một công ty nhỏ với doanh số vài trăm triệu đồng/1 tháng, đến nay Hòa Phát là tập đoàn kinh tế tư nhân chuyên về lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng và thương mại. HPG chính thức hợp nhất 7 công ty thành viên hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con từ ngày 9/1/2007. Công ty mẹ là Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, vốn điều lệ 1.100 tỷ đồng, đầu tư 100% vốn vào 6 công ty thành viên. Năm 2006, doanh số cả tập đoàn đặt 3.800 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 225 tỷ đồng. Dự kiến năm 2007, HPG sẽ đạt doanh số trên 4.600 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 300 tỷ đồng. Vị thế mới của Hòa Phát. Thế và lực của HPG hình thành dựa trên 7 công ty thành viên Hòa Phát, mà hầu hết công ty đều đứng đầu ngành hoặc thuộc nhóm những doanh nghiệp đứng đầu trong ngành sản xuất, kinh doanh đang hoạt đông. Công ty Thép Hòa Phát, hiện nay là một bộ phận của công ty mẹ và CTCP Tập đoàn Hòa Phát, đạt lợi nhuận cao nhất khu vực phía Bắc. Thép Hòa Phát có lợi thế cạnh tranh đặc biệt vì tự sản xuất phôi trong nước thay cho phôi nhập khẩu, nhất là khi giá phôi nhập khẩu đang tăng cao. Nội Thất Hòa Phát là công ty lớn nhất Việt Nam trong sản xuất các sản phẩm nội thất phục vụ văn phòng, gia đình, trường học, khu công cộng, tủ sắt, két sắt… công ty này có hệ thống đại lý ở tất cả các tỉnh, thành phố. Doanh số năm 2006 đạt gần 700 tỷ đồng. Công ty Ống thép Hòa Phát chuyên sản xuất các loại ống thép đen, ống thép mạ đạt doanh số 900 tỷ đồng năm 2006, cao nhất ngành ống thép trong nước. Điện lạnh Hòa Phát tuy là công ty mới hoạt động từ năm 2001 nhưng đã đạt doanh số và sản lượng thuộc loại lớn trong hàng ngũ các công ty cùng ngành hàng. Lợi thế của Điện lạnh Hòa Phát là đạt tỷ lệ nội địa hóa cao nhất trong các công ty cơ điện lạnh, kể cả công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Các công ty khác là Thiết bị phụ tùng Hòa Phát, Xây dựng và Phát triển đô thị Hòa Phát, Thương mại Hòa Phát đều đặt mức tăng trưởng từ 20% - 30% một năm. Sau khi chính thức hợp nhất thành tập đoàn HPG đạt được sức mạnh tổng hợp. Lấy sản xuất công nghiệp làm nền tảng, HPG đẩy mạnh đầu tư bất động sản và góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác. Hiện nay, HPG là chủ đầu tư dự án Khu CN Phố Nối A (Hưng Yên) rộng 300ha; Khu Đô thị mới Phố Nối (Hưng Yên) diện tích 300ha; Tòa nhà văn phòng cao cấp cho thuê trên diện tích 800m2 tại 21 – 23 Lý Thái Tổ, cách Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) khoảng 100m. Ông Long còn cho biết HPG đang tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án trung cư, căn hộ cao cấp cho thuê tại Hà Nội và TP.HCM. Hình ảnh Hòa Phát khi niêm yết trên sản GDCK trong năm nay sẽ là một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu của Việt Nam về sản xuất công nghiệp, đồng thời hoạt động đầu tư bất động sản và góp vốn đầu tư vào một số doanh nghiệp ngành nghề khác lên niêm yết, sẽ đóng góp một tỷ lệ không nhỏ vào tổng doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn.  

Báo Đầu tư Chứng khoán

 

Bình luận

Gửi email
Chat với chúng tôi
Về đầu trang