Tập đoàn Hòa Phát: Lượng tồn kho thép đã giảm

28/10/2015 11:10

Nhiều nhà đầu tư quan tâm đặc biệt đến thông tin về trích lập dự phòng hàng tồn kho của Công ty cổ phần tập đoàn Hòa Phát (HPG) cũng như kế hoạch sản xuất và tiêu thụ hàng tồn kho của HPG trong thời gian tới. Báo Đầu tư chứng khoán đã trao đổi với ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc HPG về vấn đề này.

Đến 31/10, HPG đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho là 353 tỷ đồng. Ông cho biết cụ thể lượng hàng tồn kho với từng mặt hàng?

Tổng giá trị hàng tồn kho của HPG hiện  là hơn 2.000 tỷ đồng, trong đó mặt hàng thép tồn kho khoảng 1.200 tỷ đồng. Khoản dự phòng giảm giá 353 tỷ đồng là trích lập dự phòng giảm giá nhóm mặt hàng thép. Các mặt hàng khác không phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho.

Tính đến cuối tháng 10, HPG tồn kho 814 tỷ đồng thép xây dựng, trong đó có 21.000 tấn thép thành phẩm, 19.000 tấn phôi thép và 30 nghìn tấn phế liệu. Lượng tồn kho ống thép và nguyên liệu sản xuất khoảng 27.000 tấn, tương đương 410 tỷ đồng. Đây là lượng tồn kho bình thường khi các nhà máy đang ở trong quá trình sản xuất liên tục. Tuy nhiên, do giá thép xây dựng giảm rất nhanh trong hơn một tháng qua và tiêu thụ giảm mạnh từ mấy tháng trước nên Tập đoàn phải trích lập dự phòng giảm giá lượng thép tồn kho. Đây là khó khăn chung của cả ngành sản xuất thép trong nước và trên thế giới. Sau khi trích lập dự phòng, lợi nhuận sau thuế 10 tháng năm 2008 của HPG là 809 tỷ đồng, bằng 109% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Với tình hình tiêu thụ thép giảm mạnh như hiện nay, công ty dự tính mất bao lâu để tiêu thụ hết lượng hàng tồn kho?

Trong 18 ngày đầu tháng 11 này đã bán được 19.000 tấn thép xây dựng. Mặt hàng ống thép vẫn tiếp tục được đẩy mạnh bán hàng.Nếu tình hình tiêu thụ thép thấp như tháng trước thì cần khoảng 4 tháng để HPG tiêu thụ lượng hàng tồn kho nói trên. Tuy nhiên, giá thép thế giới hiện đang có dấu hiệu tăng trở lại. Giá và nhu cầu trong nước bắt đầu được cải thiện nên chúng tôi hy vọng sẽ tiêu thụ hết lượng thép tồn kho trong 3 tháng. Tôi đang trực tiếp chỉ đạo các phòng kinh doanh, phòng marketing triển khai bán hàng đến tận chân công trình để đẩy mạnh bán hàng, tăng thị phần. Trong giai đoạn hiện nay, sản xuất từ phôi đến cán thép, HPG có lợi thế trong việc tiêu thụ nhanh hàng tồn kho vì có thương hiệu nổi tiếng, hệ thống phân phối rộng khắp, trực tiếp bán hàng, không bị phụ thuộc vào bất kỳ công ty thương mại nào.

Nhà máy phôi của HPG vẫn hoạt động hết công suất, Nhà máy cán thép xây dựng và nhà máy ống thép hoạt động với 75% công suất.

HPG có tiếp tục nhập khẩu nguyên liệu giá rẻ về để sản xuất hay không? Thép xây dựng giá rẻ từ Trung Quốc có nguy cơ tràn vào thị trường Việt Nam, sản xuất phôi và cán thép trong nước có cạnh tranh được không, với giá thành sản xuất hiện nay?

Là một doanh nghiệp đã nhiều năm hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thép, hiện nay, chúng tôi vẫn đang tiếp tục nhập khẩu nguyên vật liệu với giá phù hợp để đảm bảo phục vụ yêu cầu sản xuất trong quý I/2009 diễn ra bình thường.

Việc thép giá rẻ nước ngoài tràn vào Việt Nam là do hàng rào thuế nhập khẩu của Việt Nam đang ở mức thấp. Ngoài ra, kinh tế thế giới phát triển chậm lại, nhu cầu nội địa giảm sút mạnh  khiến doanh nghiệp nước ngoài đẩy mạnh xuất khẩu và phải bán phá giá để thu hồi vốn.

Bộ Tài chính và Bộ Công thương đang nắm sát tình hình và có ý kiến đồng thuận với Hiệp hội Thép trong việc điều chỉnh hàng rào thuế quan, giúp ngành thép non trẻ của Việt Nam vượt qua khó khăn trong giai đoạn này.

Đối với HPG, biện pháp để nâng cao khả năng cạnh tranh là giảm giá thành, tiếp tục đầu tư từ thượng nguồn trong công nghiệp sản xuất thép. Tập đoàn đang tập trung hoàn thiện dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát công suất 350.000 tấn/năm tại Hải Dương. Dự án này luyện  phôi thép từ quặng, rồi cán thép trên dây chuyền khép kín sẽ giúp nâng cao hơn nữa khả năng cạnh tranh về giá thành của thép Hòa Phát. Thương hiệu uy tín, mạng lưới phân phối không ngừng mở rộng, kinh nghiệm về quản trị sản xuất là những điều kiện để thép Hòa Phát tiếp tục nâng cao thị phần, và phát triển.

Trong trường hợp suy thoái kinh tế kéo dài và tăng trưởng ngành thép chậm lại thì HPG có kế hoạch gì để tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận chung của Tập đoàn?

Tôi tin rằng giá thép và nhu cầu đã giảm thấp ở mức đáy và đang hồi phục.Trong năm 2009, chúng tôi sẽ đưa vào vận hành 2 dự án lớn là khu liên hợp gang thép Hòa Phát và Dự án xi măng Hòa Phát (1 triệu tấn giai đoạn I). Trong bối cảnh rất nhiều dự án lớn bị đình hoãn, việc duy trì và đưa vào hoạt động đúng tiến độ 2 dự án lớn của Hòa Phát sẽ là một lợi thế lớn của Tập đoàn khi nền kinh tế “ấm” trở lại. Dự án cán, luyện thép sẽ góp phần tăng doanh thu cao hơn năm 2008, lợi nhuận sẽ đạt bằng hoặc cao hơn các công ty trong ngành. Các lĩnh vực ống thép, nội thất, điện lạnh, thiết bị xây dựng, kinh doanh khu công nghiệp sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định.

HPG hiện sử dụng bao nhiêu vốn vay ngân hàng và các dự án lớn của HPG có khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng hay không?

Tính đến 31/10, tổng nợ vay của Tập đoàn là 673 tỷ đồng, trong đó vốn vay ngắn hạn là 650 tỷ đồng, dài hạn là 23 tỷ đồng, chi phí lãi vay khoảng 6,7 tỷ đồng/tháng. HPG chưa sử dụng hết tổng hạn mức mà các ngân hàng thương mại cam kết cho vay. Việc tiếp cận nguồn vốn vay không quá khó khăn. Chỉ số vay nợ trên tổng tài sản của HPG khoảng 12%. Khi các dự án lớn như thép và xi măng đi vào hoạt động, hệ số này cũng chỉ trên dưới 20%. Đây là hệ số nợ có tính an toàn  cao. Đến thời điểm này, việc thu xếp vốn cho các dự án lớn của HPG đã cơ bản hoàn thành.

Báo Đầu tư Chứng khoán

Bình luận

Gửi email
Chat với chúng tôi
Về đầu trang