16/07/2025 12:03
Ngày 16/7/2025, Tập đoàn Hòa Phát và Đại học Bách khoa Hà Nội đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện. Thỏa thuận được xây dựng trên cơ sở phát huy thế mạnh của mỗi bên, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, cũng như đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tập đoàn Hòa Phát ký kết thỏa thuận hợp tác với Đại học Bách khoa Hà Nội
Lễ ký kết diễn ra tại Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất với sự tham dự của PGS. TS Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, đại diện lãnh đạo các trường Vật liệu, Cơ khí, Điện - Điện tử, Hóa và Khoa học sự sống, Ban Đào tạo, Hợp tác đối ngoại cùng các thầy cô là giảng viên của trường đang giảng dạy tại Khu liên hợp. Về phía Hòa Phát có Tổng giám đốc Tập đoàn Nguyễn Việt Thắng, Ban Giám đốc Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất, Ban Nhân sự, Ban Đối ngoại và Phát triển dự án của Tập đoàn và trưởng phó các phòng ban Công ty.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát Nguyễn Việt Thắng phát biểu tại lễ ký kết
Ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát chia sẻ: Hòa Phát là một trong 3 Tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất thép. Hiện nay có 880 kỹ sư tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội đang làm việc tại Tập đoàn Hòa Phát, phần lớn là từ Khoa Kỹ thuật Vật liệu - Trường Vật liệu. Ngoài ra, đội ngũ quản lý các công ty thành viên có 8 lãnh đạo cấp C2 là cựu sinh viên Bách khoa. Với truyền thống hợp tác lâu năm, Tập đoàn Hòa Phát mong muốn hợp tác toàn diện, lâu dài trên nhiều lĩnh vực với Đại học Bách Khoa Hà Nội để xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho các dự án của Tập đoàn.
PGS. TS Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh hợp tác của hai bên trong lĩnh vực nghiên cứu công nghệ và đào tạo gắn liền với thực tiễn sản xuất
PGS. TS Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh: “Chúng tôi nhận thấy cần hợp tác dài hạn theo chiều sâu với các Tập đoàn tư nhân lớn trên cả nước. Đây là sự kết hợp sức mạnh, ý chí của cả hai bên trong lĩnh vực nghiên cứu công nghệ và đào tạo gắn liền với thực tiễn sản xuất đóng góp thiết thực cho cộng đồng và nền công nghiệp của đất nước”.
Thông qua sự hợp tác này, Hòa Phát mong muốn tăng cường kết nối với các chuyên gia, giảng viên đầu ngành, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu – chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, cũng như đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất các loại thép kỹ thuật cao như thép kỹ thuật điện, thép làm đường ray, phát triển các mác thép mới,… Trong khi đó, Đại học Bách khoa Hà Nội kỳ vọng mở rộng cơ hội tiếp cận thực tiễn cho cán bộ, giảng viên và sinh viên, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo – nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực luyện kim – một trong những ngành mũi nhọn của Hòa Phát.
Đoàn Đại học Bách khoa Hà Nội đi thăm quan thực tế Khu liên hợp
Hai bên sẽ phối hợp tổ chức các chương trình đào tạo ngắn hạn, đào tạo văn bằng hai, liên thông và sau đại học trong các lĩnh vực như Kỹ thuật Vật liệu, trí tuệ nhân tạo (AI), xử lý số liệu và ứng dụng AI trong Luyện kim. Sinh viên của Đại học Bách khoa sẽ có cơ hội thực tập, tham quan thực tế tại các nhà máy và đơn vị thuộc Hòa Phát, trong khi cán bộ của Tập đoàn cũng được tạo điều kiện tham gia các chương trình đào tạo chuyên sâu tại nhà trường. Hai bên cũng thống nhất phối hợp, cấp học bổng và giới thiệu nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhau.
Không chỉ dừng lại ở đào tạo, Tập đoàn Hòa Phát và Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ cùng nghiên cứu, phát triển và triển khai các đề tài khoa học - công nghệ trong các lĩnh vực như: Gang thép, vật liệu mới, môi trường, cũng như hợp tác kiểm nghiệm, đánh giá theo các tiêu chuẩn quốc tế… Các hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển sản phẩm và giải pháp chuyển đổi số cũng được chú trọng, với sự tham gia tích cực của sinh viên, giảng viên và đội ngũ chuyên gia hai bên.
Ngoài ra, Đại học Bách khoa đề xuất thành lập các phòng thí nghiệm khai thác chung, phối hợp trong việc đánh giá các dự án đầu tư, môi trường và triển khai thêm các hoạt động hợp tác khác tùy theo nhu cầu thực tế trong từng giai đoạn phát triển.
Sau lễ ký kết, đoàn Đại học Bách khoa Hà Nội đã đi thăm quan thực tế Nhà máy HRC2, bến cảng số 1 và 2 của Khu liên hợp.
Tin liên quan
16/07/2025 12:04
09/07/2025 09:47
08/07/2025 14:48
02/07/2025 16:47
01/07/2025 17:00
Bình luận