Những điều chưa kể đằng sau mỗi thanh thép Việt

21/02/2019 16:12

Người Hải Dương làm thép

Xã Hiệp Sơn nằm ở phía Bắc huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương với tổng diện tích tự nhiên 716 ha. Toàn xã có 2.559 hộ và 7.762 nhân khẩu.

Vũ Đức Thuận sinh năm 1985, dáng người cao cương nghị. Những năm 2000, diện tích đất nông nghiệp địa phương thu hẹp, nhiều nhà máy, khu công nghiệp mọc lên. Lứa thanh niên như Thuận hoặc làm công nhân, hoặc lên Hà Nội hoặc vào Nam. Còn Thuận, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành điện một trường cao đẳng nghề tại địa phương, như bao anh chị em, anh chọn cách ly hương. Năm 2006-2007 kinh tế suy thoái, Thuận học lái xe và chuyển nghề. Rong ruổi đường dài Bắc-Nam với các chuyến hàng đa phần là vật liệu xây dựng.

Năm 2008, một lần trong lúc giao hàng, anh nghe lỏm rằng Hòa Phát xây nhà máy gần nhà và đang tuyển công nhân. Hôm sau, mẹ anh gọi vào nhắn nhủ "khu này to lắm". Tò mò, Thuận trở về quê hương nộp hồ sơ xin việc.

"Khi đó quanh địa phương toàn nhà máy xi măng, ngành điện tử. Tiêu chí tuyển công nhân cũng khó. Đằng này là một ông làm thép, tôi cũng không chắc họ có cần người", Thuận nói.

Đến nhà máy Thuận ngỡ ngàng vì không như những gì tưởng tượng. Chỉ có một hạng mục đang thi công, phần diện tích mấy chục hecta còn lại là đất trống. Thuận cũng trúng tuyển.

Mức lương khởi điểm 1,4 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với chạy xe. Anh thấy mông lung với quyết định trở về. "Thời điểm đó công nhân chỉ 200-300 người, nhìn cả công trường dở dang tôi nghĩ không biết bao giờ nhà máy mới vận hành" anh nói.

"Đã về nghĩa là không còn cửa đi vì lời hứa ổn định cuộc sống với cha mẹ già", Thuận kể về những suy tư lúc đó . Câu nói "doanh nghiệp này đang mạnh lắm" lởn vởn trong đầu. Anh dần vững tin hơn về cơ hội ổn định cuộc đời.

Anh Vũ Đức Thuận - Tổ trưởng tổ sản xuất Nhà máy luyện gang Hòa Phát Hải Dương.

Vào nhà máy, lần đầu tiên Thuận biết đến các thiết bị, máy móc khổng lồ, công nghệ mới. Thuận bắt đầu hiểu làm thế nào để ra được cây thép xây dựng. Một năm sau chàng trai 25 tuổi được đề bạt lên tổ trưởng tổ sản xuất tại nhà máy luyện gang quản lý 9 nhân sự. Công việc chính là cung cấp đầu vào cho nhà máy luyện gang, quặng sắt nguyên liệu phụ trợ. 

Lựa chọn của Thuận bắt đầu thành hình hài đẹp đẽ, như màu nâu gỉ của quặng biến thành vẻ rực sáng của gang. Nhà máy cũng là nơi đơm hoa kết trái cho hạnh phúc riêng. Thuận gặp vợ - là phiên dịch viên cho chuyên gia nước ngoài tại các phân xưởng. Hôm đám cưới, 400 người tại nhà máy đến chia vui. Khi còn cầm vô-lăng chạy xe đường dài, Thuận chưa bao giờ hình dung ra quy mô của cái gọi là “đồng nghiệp” lớn như thế. 

Các hạng mục sau đó của nhà máy cũng dần hoàn thiện. Sau giai đoạn một, tiếp đến giai đoạn hai và giai đoạn ba vận hành. Cả dự án trở thành một khu liên hợp sản xuất gang thép của Tập đoàn Hòa Phát với 5 nhà máy lớn cùng các nhà máy phụ trợ. 

Thu nhập của Thuận đã cao gấp 6 lần khởi điểm và đều đặn tăng hàng năm. Mấy tháng trước vợ chồng anh cất được một căn nhà tầng khang trang. Cho đến lúc bài này được viết, Thuận vẫn đang thấy hạnh phúc vì quyết định năm xưa của mình.

Cách nhà Thuận khoảng 4km, Nguyễn Đức Trọng cùng tuổi 33- là một trong 100 nhân sự đầu tiên của nhà máy. Tốt nghiệp chuyên ngành hóa học trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, sau một năm kinh doanh ngành hóa chất tại Thủ đô, Trọng cũng trở về đầu quân vào nhà máy gang thép Hòa Phát.

Với nền tảng kiến thức cơ bản, mục tiêu của vị cử nhân trẻ khá rõ ràng - môi trường với cơ hội tiến thân và phát triển vị trí công việc.

Sau 10 năm, kinh qua nhiều vị trí, hiện Trọng là Trưởng phòng Quản lý chất lượng tại Hòa Phát Hải Dương, quản lý 200 nhân sự. Mỗi ngày anh và cộng sự kiểm soát chất lượng hàng chục nghìn tấn danh mục nguyên liệu đầu vào và gần 6.000 tấn thép thành phẩm ra thị trường. Bất kỳ sơ sẩy dù ở công đoạn nào sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ quy trình. Trọng, nghiêm túc như cái tên của anh, thừa nhận rằng áp lực công việc là vô cùng lớn. Nhưng chưa khi nào nghĩ về sự thay đổi. Trọng tin công ty vẫn còn phát triển.

Thuận, Trọng thuộc 80% số người Kinh Môn trong tổng số gần 5.000 công nhân đang làm việc tại khu liên hợp gang thép. Với họ, lựa chọn thép, gắn bó với thép như một cơ duyên. Các khu công nghiệp với nhiều nhà máy mọc lên thay đổi cơ cấu kinh tế cho địa phương đồng thời mang đến sự ổn định trong cuộc sống của dân cư, thay vì họ phải ly hương như trước.

Ở Hòa Phát, không hiếm những gia đình có tới 15-20 người thân, anh em họ hàng cùng làm việc, gắn bó cả tuổi thanh xuân. Nhà Thuận và nhà Trọng cũng nằm trong số đó.

"Khi vào đây làm, cảm nhận cuộc sống chậm hơn, suy nghĩ chín chắn hơn. Cuộc sống gia đình thay đổi nhiều, thu nhập ổn định hơn, lo cho cuộc sống gia đình tốt hơn", Thuận nói.

Anh Nguyễn Đức Trọng - Trưởng phòng quản lý chất lượng Hòa Phát Hải Dương.

Nhưng điều mà hai người đàn ông này cảm nhận rõ nhất là sự thay da đổi thịt của nơi "chôn nhau cắt rốn".

Từ một xã thuần nông, lao động địa phương bôn ba khắp nơi, họ khấp khởi trở về để rồi vững tâm ở lại ổn định cuộc sống. Đường sá thênh thang, dịch vụ thương mại đầy đủ. Nếp sống công nghiệp thay đổi lề thói cũ. Bộ mặt nông thôn ngày một đổi khác. 

Ngày nay, Hiệp Sơn được xác định là một trung tâm trong lòng thị xã tương lai. Các khu công nghiệp - dịch vụ dần định hình. Hiện dân số phát sinh cơ học tại địa phương lên tới 6.000 người, chủ yếu cũng là công nhân. Để đáp ứng nhu cầu dân cư tăng đột biến, chợ Hiệp Sơn được xây mới, mở rộng tới hơn 2 ha. Ngoài nhiều khu dân cư mới, một số diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả được lãnh đạo xã đề xuất chuyển đổi thành đất ở, đất dịch vụ.

Mỗi buổi sáng trên các ngả đường nườm nượp xe máy, ôtô hướng về các khu công nghiệp, khó ai có thể hình dung nơi đây từng là vùng chân chất thuần nông. 

Nhà máy bên dòng sông Kinh Thầy

Hai tuyến đường Tỉnh lộ 388 và 389 chạy qua nối liền Quốc lộ 5 và Quốc lộ 18 đến các vùng trọng điểm của cả nước là Hà Nội, Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh. Nhờ vậy, Hiệp Sơn có vị trí giao thương hàng hóa quan trọng của khu vực.

Địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây, hơi lồi lõm, độ chênh cao không lớn thuận lợi cho phát triển sản xuất công nghiệp. Con sông Kinh Thầy hiền hòa nằm kế bên càng gia tăng sự đắc địa cho vị trí địa phương. Hiệp Sơn giờ trở thành nơi đóng đô của các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xi măng, ôtô, thép... Cơ cấu sản xuất địa phương chuyển dần từ nông nghiệp sang công nghiệp.

Khu liên hợp gang thép Hòa Phát nằm ngay Tỉnh lộ 389, khởi công đầu năm 2008. Dự án chỉ cách Hà Nội 90km, cách Hải Phòng 30km và khu neo Hòn Nét 70km. Với tổng diện tích lên đến 132hecta, công suất gần 2 triệu tấn một năm, khu liên hợp chia làm 3 giai đoạn với tổng vốn đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng. Đây là dự án có quy mô lớn nhất của Hòa Phát sau hơn 10 năm làm thép.

Cổng khu liên hợp sản xuất nhìn thẳng ra Tỉnh lộ. Những ai lần đầu tiên bước vào dễ choáng ngợp trước độ cao của các lò đốt. Toàn khu có những con đường nhựa phẳng đan xen ô bàn cờ ghi tên, đánh số. Ven đường là các hàng cây xanh mướt mắt.

Phòng làm việc của ông Nguyễn Đức Duyến ngay tầng một tòa nhà điều hành sát cổng khu liên hợp. Ông là một trong 3 phó giám đốc Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Hải Dương (thành viên của Tập đoàn Hòa Phát và chủ đầu tư khu liên hợp gang thép tại Hải Dương).

Ông Nguyễn Đức Duyến - Phó giám đốc công ty cổ phần thép Hòa Phát Hải Dương

Vị lãnh đạo này có 18 năm kinh nghiệm và gắn bó tại nhà máy Hưng Yên. Khi khu liên hợp tại Hải Dương triển khai, một số công ty sáp nhập, theo chỉ đạo cấp trên ông về Hải Dương đảm nhiệm cương vị mới.

Vận đồng phục bảo hộ màu ghi, thi thoảng ông ngước nhìn màn hình LED 50 inch gắn tường bên phải theo dõi hoạt động tại các khu sản xuất. Cần thiết ông nhấc bộ đàm trao đổi với vị quản lý trực tiếp. Phía trái tường là tấm bảng in sơ đồ kỹ thuật mô tả vị trí từng khu vực sản xuất tại khu liên hợp.

"2009 là thời điểm cực kỳ khó khăn không chỉ với toàn bộ cán bộ, kỹ sư nhà máy", ông Duyến nhớ lại.

Khi đó dự án bắt đầu vận hành thử nhưng không thuận lợi, trục trặc nhiều, có khi chỉ đạt 20-30% công suất thiết kế. Nhân sự tại công ty đa phần là điều chuyển từ Hưng Yên sang hoặc kỹ sư mới ra trường. Kiến thức về cán thép, luyện kim từ lý thuyết đến thực tiễn khác xa. Công ty phải thuê toàn bộ đội chuyên gia nước ngoài vận hành trong một năm.

Thay vì phải mất cả năm để đạt tới 90% công suất như trong giai đoạn một, ở giai đoạn hai của khu liên hợp Hòa Phát chỉ mất 3 tháng để đạt 100% công suất thiết kế và sau khi hoàn tất giai đoạn ba. Kể từ khi lò cao thứ 2 vận hành, gần như nhân lực của công ty tiếp quản và làm chủ công nghệ.

"Lò cao số một là cái giá phải trả để có kinh nghiệm sau này. Chúng ta phải chấp nhận để giỏi thì phải có khó khăn. Không ai làm ngay mà tốt được bao giờ, trừ thiên tài. Mà thiên tài thì rất hiếm’, ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Hòa Phát chia sẻ.

Chính thức đi vào vận hành vào năm 2010, khu liên hợp sản xuất thép tại Hiệp Sơn là một trong những khu liên hợp có chu trình sản xuất thép đồng bộ, khép kín từ quặng sắt đến thép thành phẩm, quy mô hiện đại bậc nhất Việt Nam. Đây là dự án trọng điểm tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn nhất cho Hòa Phát góp phần đưa doanh nghiệp trở thành nhà sản xuất thép hàng đầu Việt Nam.

Tổng cộng có 6 phân khu chính, gồm 5 nhà máy, và các hạng mục công trình. Đặc biệt, tàu trọng tải hơn 2.000 tấn có thể cập cảng sông với 9 hệ thống cầu cảng năng lực bốc dỡ lên đến 7 triệu tấn một năm ngay sát khu liên hợp giúp cho việc vận chuyển đường bộ đường thủy và đường bộ từ khu liên hợp trở nên dễ dàng, nhanh chóng.

Nhà máy luyện than coke và điện nhiệt dư với 2 dây chuyền công suất 800.000 tấn một năm cung cấp đủ nguyên liệu cho 3 lò cao hoạt động. Chu trình khép kín tận dụng nhiệt dư sinh ra trong quá trình luyện cốc để tận thu phát điện cho chính nhu cầu khu liên hợp.

Với 3 dây chuyền luyện gang tổng công suất thiết kế 2 triệu tấn một năm, trong đó có 3 lò cao, một nhà máy thiêu kết - đây là bước đệm quan trọng để cung cấp gang lỏng để luyện phôi thép.

Hòa Phát đang vận hành 3 nhà máy luyện thép với 3 lò thổi oxy tổng công suất 2 triệu tấn thép một năm. Đây là công nghệ hiện đại lần đầu được sử dụng tại Việt Nam giúp giảm tối đa tiêu hao năng lượng và thân thiện với môi trường. Nguyên liệu chính là gang lỏng được cung cấp từ nhà máy luyện gang có bổ sung kim loại quý để ra các phôi thép chất lượng cao. Sản phẩm của nhà máy luyện thép là phôi vuông dài 6-12m.

Trên dây chuyền hiện đại của Italy, 3 nhà máy cán thép cho ra đời những mẻ thép thanh vằn cacbon thấp từ D10 đến D55 chất lượng cao và thép cuộn từ 5.5-10mm. Trong khi các nhà máy thép tại Việt Nam chỉ sản xuất thép xây dựng cao nhất là D41.

Ngoài ra, tổ hợp còn có nhà máy cơ điện phục vụ sửa chữa các nhà máy cho khu liên hợp giúp khắc phục các sự cố kịp thời nếu có nhằm đảm bảo các hoạt động của nhà máy được thông suốt 24/24h.

Các công đoạn sản xuất ra thép thành phẩm tại Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Hải Dương.

Một đặc điểm của sản xuất thép là rất nhiều công đoạn phát sinh nhiệt, khí thải ra môi trường xung quanh. Tại Hòa Phát quy tình xử lý khép kín không chỉ xử lý triệt để vấn đề này mà còn tái sử dụng để làm lợi cho công ty.

Điều ấn tượng với những người lần đầu biết đến Hòa Phát là tất cả nhiệt, khí thải từ các khâu sản xuất sẽ được hệ thống đường ống chạy khắp khu công nghiệp thu gom, xử lý làm sạch qua hệ thống lọc bụi sau đó cho ra hỗn hợp khí sạch chứa tại bồn khí. Từ đây khí được tái sử dụng làm chất đốt cho các khâu sản xuất khác nhau. Giải pháp thu hồi nhiệt còn giúp khu liên hợp chủ động hơn 43% nhu cầu điện.

Tính đơn giá hiện hành, trung bình mỗi ngày khu liên hợp tiết kiệm 2 tỷ đồng tiền điện. Toàn bộ bếp nấu ăn cho 5.000 công nhân cũng dùng hơi thu hồi trong dây chuyền sản xuất, mỗi tháng tiết kiệm được 2 đến 3 tỷ tiền gas.

Ngoài ra lượng bụi thu hồi trong hệ thống lọc bụi là hỗn hợp kết dính cao được tái sử dụng tại khâu thiêu kết quặng sắt - nguyên liệu cho lò cao. Xỉ lò cao phát sinh trong quá trình luyện gang được công ty chế biến thành vật liệu xây dựng S95, làm phụ gia cho xi măng, bê tông chịu mặn. Hòa Phát trở thành doanh nghiệp tiên phong biến chất thải rắn trong luyện thép thành sản phẩm có giá trị kinh tế, giải quyết triệt để vấn đề môi trường.

Các kỹ sư điều hành quá trình sản xuất thông qua hệ thống trực tuyến.

Nước cũng là mối quan tâm môi trường hàng đầu của nhà máy thép nói chung. Ở Hải Dương, Hoà Phát sử dụng khoảng 60.000 m3 nước/ngày đêm, toàn bộ được tuần hoàn tái sử dụng trong tất cả các công đoạn, không xả ra môi trường. Tại đây có 10 bể lắng thu gom nước mưa chảy tràn lắng bụi bẩn và dầu mỡ nếu có. Nước thải sau khi xử lý đủ tiêu chuẩn sẽ được sử dụng cho các công đoạn.

Mỗi ngày, công suất bốc dỡ cả nguyên liệu đầu vào lẫn thành phẩm ra thị trường tại khu liên hợp vào khoảng hơn 10.000-20.000 tấn. Mức này vận tải đường bộ gần như không thể đáp ứng. 9 cầu cảng ngay sông Kinh Thầy với chi phí chiếm vài % tổng đầu tư dự án giúp công ty tiết kiệm đáng kể phí vận chuyển nguyên liệu đầu vào và thành phẩm cuối cùng ra thị trường.

Nhờ quản trị tốt cả quá trình đầu tư quy mô lớn đến các yếu tố cấu thành chi phí, giá bán ra của thép Hoà Phát thấp hơn 5-10% trên thị trường và thấp hơn mức trung bình của các nước ASEAN. Thậm chí các đơn hàng xuất khẩu đi nước ngoài, nếu trừ đi 15 đôla Mỹ phí vận chuyển một tấn vẫn có lãi.

Theo ông Duyến, đây là lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm thép của Hòa Phát trên thị trường, nhất là về giá. Khu liên hợp gang thép Hòa Phát tại Hải Dương giúp Hòa Phát bật dậy nhanh chóng để đứng vào vị trí đầu của làng thép xây dựng Việt Nam.

"Hiện khu liên hợp rất đồng bộ và hiện đại nhưng chúng tôi vẫn muốn cải thiện nhiều hạng mục như môi trường và điều kiện làm việc, cải tạo thiết bị", ông Duyến nói.

 
Hiện thực hóa giấc mơ tỷ đôla sau 16 năm

Trụ sở mới của Hòa Phát là tòa nhà 6 tầng nằm trên con phố Nguyễn Du, Hà Nội với mặt tiền hồ Thiền Quang. Trước đó, đại bản doanh cũ của tập đoàn tư nhân có giá trị thị trường 4 tỷ đôla Mỹ này khiêm tốn ở góc phố nhỏ cách chỗ mới không xa.

Phòng làm việc của CEO Trần Tuấn Dương tại tầng 4. Diện tích không quá rộng, đồ đạc tinh gọn với một bàn làm việc, tủ kệ sau lưng, bộ sofa khách bằng da và một chậu cây thiết mộc lan. Tường, vách sử dụng hoàn toàn kính, rèm mở hết cỡ để tận dụng ánh sáng tự nhiên, hướng nhìn bao quát trọn vẹn hồ và một góc đường.

Ông Trần Tuấn Dương - Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát.

"Giấc mơ đó là có thật", ông Dương bày tỏ khi nhắc về siêu dự án Quảng Ngãi. "Tôi và anh Long từng mơ ước về một nhà máy tỷ đôla cách đây 16 năm".

Đó là một ngày mùa đông năm 2002. Ông Dương cùng người bạn chí cốt là chủ tịch Trần Đình Long có dịp sang Nhật Bản tham quan một trong số những nhà máy thép nổi tiếng nhất: Kobe Steel. Tổng công suất lên đến 6 triệu tấn một năm. Vị trí nằm kề biển và có cảng rất lớn. Một con tàu đang đỗ ở cảng trọng tải vào cỡ 100.000 tấn. Các dòng băng chuyền chuyển nguyên liệu lên kho và sau đó vào nhà máy để sản suất. Hệ thống đường nội khu rộng, có đèn xanh đèn đỏ không khác gì cao tốc.

"Nhìn nó kỳ vĩ và thật sự choáng ngợp. Chúng tôi thèm khát sau này Việt Nam có thể làm một nhà máy ngang tầm như vậy", vị CEO kể lại.

Nhìn lại quá khứ, thép không phải là lĩnh vực được chọn khi hai vị lãnh đạo của Hòa Phát khởi nghiệp cách đây 26 năm. Bắt đầu từ một công ty chuyên buôn bán các loại máy xây dựng năm 1992, sau đó lấn sân lĩnh vực nội thất năm 1995, rồi đến ống thép năm 1996. Bốn năm sau, năm 2000 thép xây dựng mới xuất hiện trong danh mục sản phẩm mới của doanh nghiệp.

Do vậy, không lạ khi Hòa Phát vẫn nằm ngoài Quy hoạch phát triển ngành thép được phê duyệt hồi 2001. Thời đó, các trùm thép nói "Hòa Phát vẫn chỉ là tay mơ, biết gì về thép mà làm". Đâu ai ngờ, chính sự dè bỉu đó là động lực khiến Hòa Phát dấn thân và kết duyên ngành mới. Nhờ thép, Hòa Phát định hình được thế và lực của mình trên thị trường.

Hôm nay sau 16 năm - từ thời điểm 2 người bạn "cảm thấy nhỏ bé" trước sự kỳ vĩ của nhà máy tại Nhật Bản, Hòa Phát đã sẵn sàng làm nhà máy thép trị giá vài tỷ đôla góp phần đưa ngành thép Việt và công nghiệp Việt Nam phát triển tầm cao mới.

Một công nhân tại đại công trường khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại Dung Quất (Quảng Ngãi).

Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi được Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư năm 2017.

Dự án có tổng vốn đầu tư 60.000 tỷ đồng (3 tỷ đôla) thiết kế quy mô công suất 4 triệu tấn một năm. Sản phẩm chủ yếu là thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao và sản phẩm dẹt là thép cuộn cán nóng.

"Công suất thiết kế là vậy nhưng với tính cách của Hòa Phát cũng như cách khai thác vận hành của chúng tôi thì công suất sẽ vượt 10-20%. Do đó nhà máy sẽ đạt khoảng 4,5 triệu tấn một năm", ông Dương nói.

Khu liên hợp bao gồm hệ thống cảng biển nước sâu cho phép tàu 200.000 tấn cập bến, dễ dàng vận chuyển nguyên vật liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra đi các thị trường trong và ngoài nước. Hiện nhà máy thép cán thanh đầu tiên đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Theo kế hoạch quý II năm nay, lò cao số một sẽ ra những mẻ gang đầu tiên. Cứ 3 tháng một lò cao tiếp theo hoàn thiện cho đến khi nào đủ 4 lò cao thì công đoạn sản xuất sẽ vận hành đồng bộ.

Ngoài thép thanh, thép dài, Dung Quất sẽ cung cấp 3 triệu tấn thép cán nóng. Sản phẩm này các doanh nghiệp trong nước chưa sản xuất được ngoại trừ một liên doanh nước ngoài. Tới đây, sản phẩm của Hòa Phát sẽ thay thế lượng nhập thép cuộn cán nóng từ Trung Quốc. Điều này còn mang ý nghĩa quan trọng với các doanh nghiệp Việt làm tôn lợp và tôn mạ màu xuất hàng sang Mỹ bởi lâu nay họ chịu cáo buộc lẩn tránh thuế.

Tại Dung Quất, Hòa Phát áp dụng công nghệ lò cao khép kín tương tự mô hình đã triển khai thành công tại tỉnh Hải Dương nhưng ưu việt hơn, thiết bị hiện đại hơn được nhập khẩu từ các nhà sản xuất hàng đầu thế giới. Doanh nghiệp dành 30% tổng vốn đầu tư cho việc giám sát xử lý môi trường, triệt để và cao hơn tiêu chuẩn Việt Nam cho phép. "Thực tế đã là công nghiệp thì sinh ra khí thải và phế thải, vấn đề là chúng ta phải xử lý và kiểm soát tốt", lãnh đạo Hòa Phát cho hay.

Không phải lúc này, kể cả ngay những ngày đầu bắt đầu làm thép, Hòa Phát biết ngành đòi hỏi rất nhiều vốn và khả năng hấp thụ công nghệ hiện đại, kỹ thuật khó kiểm soát. Các công ty nước ngoài đã phát triển rất tốt tại Việt Nam. Dù vậy, Hòa Phát vẫn quyết tâm làm bởi xác định thép là "bánh mì của ngành công nghiệp". Đất nước muốn phát triển tốt phải có nền tảng công nghiệp nặng đi từ thép mà lên. Nghi ngại ban đầu từ các doanh nghiệp trong ngành với Hòa Phát cũng là điều dễ hiểu. Nhưng khó mới ló khôn. Không có nhiều tiền thì làm nhà máy nhỏ trước, có lãi thì tích lũy tập trung vốn để dẫn dần mở rộng.

Đầu tiên là nhà máy ống thép, sau đó là nhà máy cán thép. Khi làm thép cán xây dựng, Hòa Phát mua phôi từ nước ngoài về cán. Có tiền rồi họ nghĩ đến việc làm phôi. Đây là cơ sở để khu liên hợp gang thép Hải Dương công suất 2 triệu tấn một năm ra đời. Khi vận hành ổn định và đủ công suất, Hòa Phát mới đủ thế và lực để tính đế việc lớn hơn, để từ đó một nhà máy Dung Quất với quy mô lớn, đẹp đẽ và hiện đại ra đời. Với Hòa Phát, một công ty không phải tự nhiên trở thành người khổng lồ mà phải có quá trình tích lũy về mặt nhân lực, khoa học kỹ thuật, công nghệ cũng như quản trị, tiềm lực tài chính.

"Tôi không nghĩ bỗng dưng sau một đêm có thể trở thành một công ty lớn kể cả bạn đổ bao nhiêu tiền và thuê nhiều người làm. Nó như một cơ thể sống. Doanh nghiệp muốn lớn lên phải trải qua rất nhiều thời kỳ: trưởng thành, tăng tốc và phát triển rực rỡ", vị CEO trầm giọng.

Nói như vậy không có nghĩa Hòa Phát không có trở ngại. Họ là cổ đông. Tất cả những lần tăng công suất sản xuất các lò tại Hải Dương đều nhận sự nghi ngại: Làm rồi bán cho ai? Làm thế nào?. "Cứ yên tâm, miễn sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao, giá thành hợp lý thì thị trường ắt đến". Đó là sự quyết liệt thường thấy của các lãnh đạo công ty trong cuộc họp cổ đông.

Dù không phải cổ đông nào cũng thỏa mãn tất cả những giải trình, họ lại khiến các lãnh đạo công ty an tâm ở chỗ, họ vẫn đồng ý cho Hòa Phát làm vì một chữ "tin".

Đến khi lãnh đạo công ty trình kế hoạch xây dựng nhà máy tại Dung Quất, công suất lớn là vậy, tiền đầu tư khổng lồ mà gần như không còn ai thắc mắc hay bày tỏ quan ngại gì. Lúc này, Hòa Phát đang nằm trong top các doanh nghiệp lớn nhất ở Việt Nam. Sau khi dự án Dung Quất hoàn thành, tập đoàn sẽ trở thành một trong 50 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới.

Hòa Phát vẫn tiếp tục làm thép bởi đây được xác định là lĩnh vực chủ lực. Tập đoàn này vẫn ấp ủ dự án lớn hoặc có thể nâng cấp dự án tại Dung Quất lên 7 triệu tấn và sau này có thể chế tạo loại sắt thép khác.

Hiện sản lượng thép dài tại Hòa Phát là 2,3 triệu tấn, năng lực cán thép dài khoảng 4 triệu tấn và đến 2020 nâng lên 5 triệu. Ngược với quan điểm "hàng xuất khẩu mới danh giá", với doanh nghiệp này, xuất khẩu là yếu tố quan trọng nhưng không mang tính quyết định. Then chốt vẫn là thị trường trong nước.

Có thời điểm thị trường xuất khẩu “nóng” đến mức Hòa Phát phải hạn chế vì xuất nhiều quá sẽ mất thị phần trong nước. Hoạch định xuyên suốt của công ty hàng xuất khẩu chỉ chiếm 10-20%, còn lại dành cho nội địa.

Hòa Phát lúc này tự tin làm chủ các công nghệ sản xuất thép hiện đại bậc nhất.

Đại công trường tại Dung Quất cao điểm có khi lên đến hơn 12.000 người từ nhà thầu, công nhân, kỹ thuật cùng hàng trăm nghìn tấn thiết bị máy móc triển khai liên tục. Khối lượng sắt thép dùng cho xây dựng, chế tạo kết cấu và thiết bị lên tới trên 600.000 tấn. Một con số khổng lồ. Tiến độ cũng như chất lượng các hạng mục đều đạt so với yêu cầu đề ra. 

Mấy tháng trước, tại Hải Dương, gần 200 cặp vợ chồng kỹ sư, công nhân xung phong Nam tiến. Họ háo hức để chinh phục tầm cao mới ở một khu liên hợp với công nghệ hiện đại và quy mô lớn hơn nhiều.

Thế hệ thứ hai

"Hòa Phát không phải là công ty gia đình", vị CEO khẳng định, dù tại các nhà máy có nhiều thế hệ công nhân viên gắn bó. Gia đình ở đây, theo ông không đồng nghĩa với việc cha truyền con nối.

Cái tên Hòa Phát viết tắt của 2 từ "hòa hợp" và "phát triển". Sau đó tập đoàn này đổi thành "Hòa hợp cùng phát triển". Ngay từ ban đầu, những người sáng lập tạo ra một nguyên tắc rõ ràng là hoàn toàn tin tưởng lẫn nhau.

Văn hoá của Hoà Phát, theo những người chú tâm theo dõi, nằm ở sự rạch ròi và cẩn trọng. Những người đầu tiên đã phân vai phân việc rõ ràng cho người này người kia. Và trả lời cho câu hỏi “sao các ông có thể chơi với nhau lâu thế?”, ông Dương nói ngay: “Chúng tôi dành cho nhau sự tin tưởng tuyệt đối. Khi tin tưởng tuyệt đối thì người ta có thể đi với nhau suốt cả cuộc đời”.

Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long (phải) và Tổng giám đốc Trần Tuấn Dương (trái).

Ngoài câu chuyện sản xuất, câu chuyện thị trường, Hòa Phát cũng bắt đầu đặt vấn đề về vai trò của thế hệ thứ hai. Những công ty có lịch sử hàng trăm năm trên thế giới khi chuyển giao thế hệ vẫn gặp khủng hoảng. Việt Nam thường chuyển giao thế hệ không tốt. Đời trước gây dựng công ty đang độ phát triển mạnh nhưng khi tiếp quản mọi thứ lại đi xuống, gây ra lãng phí công sức và của cải vật chất xã hội. 

Hoà Phát cũng đang thể hiện những bước chuẩn bị cho giai đoạn quan trọng này. Kế hoạch đặt ra trong 10 năm tới với những bước thử thách nhân sự cả ở đức và tài. Ông Long và ông Dương tự tin "công ty đang chuẩn bị tương đối tốt". Thế hệ thứ hai có thể là người nhà hoặc không, miễn là người làm được việc và đưa doanh nghiệp phát triển bền vững, tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm cho quốc gia.

"Tôi hy vọng sau này chúng tôi không điều hành nữa thì thế hệ sau vẫn tiếp tục phát huy vai trò hòa hợp cùng phát triển. Giúp công ty đứng vào hàng ngũ những doanh nghiệp trên thế giới có tuổi đời lên đến hàng trăm năm", vị CEO bộc bạch.

Theo VNExpress

Bình luận

Gửi email
Chat với chúng tôi
Về đầu trang