Một nền tảng vững chắc cho sự thành công

04/11/2015 09:11

Bức tranh sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hiện tại khá ảm đạm, phần lớn các doanh nghiệp bị thua lỗ, hoạt động cầm chừng. Trong khi các ngân hàng tập trung đi thu hồi nợ, hạn chế giải ngân thì nhiều ngân hàng hiện liên tục tìm đến tập đoàn Hòa Phát, đề nghị cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất rất thấp, dường như ngược lại xu thế chung. Đây là một biểu hiện cho thấy hệ số tín nhiệm của tập đoàn sản xuất công nghiệp tư nhân hàng đầu Việt Nam ngày càng được khẳng định một cách mạnh mẽ.

Mạnh như thương hiệu Hòa Phát 

Việc định hạng tín nhiệm doanh nghiệp ở Việt Nam chưa có phổ biến nhưng các ngân hàng, quỹ đầu tư, cổ đông... thực chất đã xếp Hòa Phát vào hàng ngũ doanh nghiệp lớn, tín nhiệm cao, làm ăn hiệu quả, có ảnh hưởng lớn trong ngành thép và có uy tín cao trên thị trường vốn. Bởi thông thường khi đánh giá quy mô, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, các tổ chức tài chính thường căn cứ vào các yếu tố quan trọng: tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, doanh thu và lợi nhuận cũng như khả năng hoàn trả của dòng tiền. Theo các căn cứ này thì chỉ tính từ thời điểm tái cấu trúc (1/2007) đến nay, tổng tài sản của Hòa Phát đã tăng 8,4 lần, cận kề mức 1 tỉ đô la Mỹ. Vốn chủ sở hữu tăng 7,5 lần. Doanh thu tăng gần gấp 13 lần và lợi nhuận tăng 15 lần. Sáu năm lên sàn giao dịch chứng khoán HOSE, cổ tức của Hòa Phát hàng năm đều từ mức 20% trở lên và năm nào cũng có một phần cổ tức được trả bằng tiền mặt.

Tình hình nợ phải trả của tập đoàn cũng luôn ở mức an toàn, cho thấy khả năng tài chính đảm bảo để duy trì, phát triển sản xuất và tiếp tục đầu tư vững vàng. Theo Báo cáo tài chính của Hòa Phát năm 2012 tổng nợ vay ngân hàng cả ngắn và dài hạn của Tập đoàn là 6.306 tỉ đồng. Hệ số nợ vay ngân hàng trên vốn chủ là 0.74. Nói khác đi, một đồng vốn của Hòa Phát “cõng” 0.74 đồng nợ. Nếu đem so với hệ số nợ được coi là an toàn của các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam (nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 3 lần) thì đây là mức an toàn vốn cao. Hiện tại lãi suất vay ngắn hạn của Hòa Phát khoảng 6.5%.

1

Hòa Phát hiện là doanh nghiệp sản xuất thép chiếm thị phần lớn thứ hai với 14.5%

Hòa Phát hiện là doanh nghiệp sản xuất thép chiếm thị phần lớn thứ hai trên thị trường, với thị phần tiêu thụ thép xây dựng đến nay là 14,5%. Trong bối cảnh 30% doanh nghiệp thép dừng sản xuất và 30% số doanh nghiệp thép khác hoạt động cầm chừng, thép Hòa Phát vẫn thu được hàng trăm tỷ lợi nhuận, chiếm hơn 80% doanh thu và lợi nhuận toàn Tập đoàn. Dự kiến năm 2013, 6 Công ty con trong lĩnh vực thép sẽ mang về cho Hòa Phát khoảng 14.600 tỷ đồng doanh thu và 1.200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Xét một cách tổng thể, trong thời điểm sản xuất kinh doanh thuận lợi, các chỉ tiêu tài chính của Hòa Phát đã là mong đợi của nhiều doanh nghiệp. Đặt trong bối cảnh khoảng ba năm trở lại đây thì hiệu quả sản xuất kinh doanh này của tập đoàn càng ấn tượng hơn nhiều..

Nền tảng thành công

Hòa Phát có ba nhóm ngành sản xuất: nhóm ngành thép, nhóm ngành sản xuất công nghiệp khác và nhóm ngành bất động sản, trong đó sản xuất thép là ngành hàng chủ lực. Làm cách nào vừa sản xuất, kinh doanh nhiều ngành; ngành hàng chủ lực lại chịu tác động rất lớn trước các biến động của thị trường mà Hòa Phát vẫn đứng vững và phát triển và các lộ trình sản xuất kinh doanh đều đi đúng kế hoạch?

Thứ nhất là Hòa Phát đã có một chiến lược đúng đắn, đầu tư đúng hướng, bài bản và quyết liệt ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp. Sự tích hợp một chuỗi giá trị theo chiều dọc không chỉ giúp Hòa Phát có được hiệu quả sản xuất cao mà còn tạo nên những lợi thế rất lớn. Khu liên hợp gang thép Hòa Phát mà Hòa Phát đầu tư xây dựng từ năm 2007 là bằng chứng rõ ràng nhất của việc tích hợp giá trị từ quy mô và quy trình sản xuất khép kín.Trên bình diện toàn Tập đoàn, tất cả các ngành hàng của Hòa Phát, từ sản xuất công nghiệp nặng đến sản xuất công nghiệp khác hay bất động sản đều xoay quanh hoặc có liên quan đến ngành sản xuất kinh doanh chủ lực.

Thứ hai nền tảng tài chính lành mạnh, minh bạch với những hoạch định tài chính đúng đắn của Tập đoàn. Hòa Phát không thể thực hiện được những dự án với vốn đầu tư lên vài ngàn tỷ đồng nếu không có tiềm lực về tài chính cũng như uy tín trên thị trường để trở thành đối tác đáng tin cậy của các ngân hàng. Bên cạnh đó, tận dụng sự phát triển của thị trường chứng khoán, Hòa Phát đã có sức bật đáng kể về vốn để phục vụ cho những mục tiêu dài hạn của mình.

21 năm có mặt trên thương trường Hòa Phát luôn đi theo một tầm nhìn có định hướng lâu dài, có sự chuẩn bị chắc chắn, không chạy theo những cơn “sốt, nóng” của thị trường. Như ở mảng sản xuất thép, khởi đầu với một nhà máy cán thép tại Như Quỳnh (Hưng Yên) năm 2001, công suất 300.000 tấn/năm nhưng phải nhập nguyên liệu đầu vào, ba năm sau Hòa Phát đầu tư nhà máy sản xuất phôi thép bằng lò điện hồ quang tại khu công nghiệp Phố Nối (Hưng Yên) đảm bảo 70% nguyên liệu đầu vào cho nhà máy cán, không phải nhập khẩu. Các nhà máy này hoạt động hiệu quả, có nhà máy đã hết khấu hao từ 2-3 năm trở lại đây. Phần lợi nhuận ròng của các nhà máy thép cộng với quá trình chuẩn bị vốn, nhân lực và các điều kiện cần thiết khác là nền tảng cho việc ra đời và đi vào vận hành giai đoạn I của khu liên hợp thép Hòa Phát tại Kinh Môn (Hải Dương) từ cuối năm 2009 với công suất 350.000 tấn/ năm. Và đầu tháng 10 vừa qua, giai đoạn II của khu liên hợp sau chưa đầy hai năm đầu tư đã chính thức đi vào sản xuất, đưa tổng sản lượng thép Hòa Phát lên 1,15 triệu tấn/năm.

2

Than coke siêu sạch của Công ty Năng lượng Hòa Phát đáp ứng nhu cầu sản xuất thép của Tập đoàn và xuất khẩu sang thị trường châu Âu

Cho dù nhiều doanh nghiệp trong ngành phải tiết giảm sản xuất hoặc chịu cảnh lao đao với biến động thị trường trong vài năm trở lại đây, thực tế đã chứng minh việc đầu tư của Hòa Phát là đúng hướng. Giai đoạn I của khu liên hợp đi vào hoạt động sau gần bốn năm, được đầu tư đồng bộ đã mang lại từ 26-30% tổng doanh thu và hơn 20% lợi nhuận của tập đoàn trong các năm 2010-2012, làm bàn đạp để giai đoạn II về đích như kế hoạch đề ra.

Hay như ở hai dự án bất động sản chung cư tại Hà Nội mà Hòa Phát đầu tư xây dựng. Dự án chung cư 275 đường Giải Phóng (133 căn hộ) là dự án chung cư đầu tiên ở Hà Nội mà chủ sở hữu được cấp số đỏ chỉ sau ba tháng nhận nhà, trong khi rất nhiều dự án khác trên địa bàn thủ đô còn diễn ra các cuộc tranh chấp giữa người mua và chủ đầu tư về tiến độ, về sở hữu chung - riêng... Muốn có được sổ đỏ với thời gian ngắn như vậy, Hòa Phát phải minh bạch, chuẩn bị và tuân thủ đầy đủ thủ tục pháp lý cũng như các nghĩa vụ tài chính mà thành phố yêu cầu, trong khi đây luôn là vấn đề đau đầu của nhiều chủ đầu tư khác. Tại dự án chung cư Mandarin Garden (999 căn hộ) được đầu tư tại khu đất vàng ở Trung Hòa, Nhân Chính vào thời điểm khó khăn nhất của thị trường bất động sản kéo dài từ năm 2010 đến nay, Hòa Phát tập trung đảm bảo tiến độ và chất lượng. Dự án này bắt đầu giai đoạn bàn giao căn hộ cho người mua với tiến độ nhanh hơn cam kết ba tháng (từ cuối tháng 9-2013 thay vì hết tháng 12-2013). Đặc biệt, với chính sách bán hàng thích nghi nhanh với biến động của thị trường, Mandarin Garden đang là “điểm sáng” trên thị trường địa ốc hiện đang đóng băng ở Hà Nội.

Thành công của Hòa Phát đến giờ là việc không chạy theo các giá trị nhất thời, hay giá trị ảo mà kiên định với các ngành sản xuất kinh doanh truyền thống, thực hiện bằng được các mục tiêu đề ra với sự chuẩn bị tốt nhất, chi phí hợp lý nhất. Uy tín và hiệu quả của doanh nghiệp được xây dựng trên một nền tảng vững chãi như thế thì thành công gặt hái được như ngày hôm nay là điều hiển nhiên. 

Nhiều năm qua Hòa Phát đã ở trong tốp đầu các tập đoàn sản xuất công nghiệp lớn nhất Việt Nam, liên tục mở rộng sản xuất kinh doanh, kể cả trong thời điểm các doanh nghiệp hàng đầu còn đang loay hoay, chật vật để vượt khó. Mục tiêu cán đích doanh thu 1 tỉ đô la Mỹ (hơn 21.000 tỉ đồng) vào năm 2014 mà các nhà lãnh đạo ở đây đề ra đang đến gần. Bởi tổng doanh thu năm 2012 đã đạt 17.122 tỉ đồng, kế hoạch năm 2013 là 18.500 tỉ đồng kèm mức tăng lợi nhuận vững chắc theo từng năm..

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Bình luận

Gửi email
Chat với chúng tôi
Về đầu trang