Lấp đầy khoảng trống

23/05/2018 08:58

 
Lấp đầy khoảng trống - ảnh 1
 

Cuối năm 2017, công ty cổ phần tập đoàn Hòa Phát chuyển trụ sở chính từ “trong ngõ” ra “phố lớn”. Với sáu tầng lầu, hai mặt tiền, mặt chính trông ra hồ Thiền Quang, đại bản doanh mới, khang trang này quy tụ nhóm công ty thép, nhánh kinh doanh quan trọng nhất, làm nên tên tuổi của tập đoàn tư nhân có giá trị thị trường bốn tỉ đô la Mỹ. Song song với việc dịch chuyển trụ sở chính, công ty 25 tuổi thay đổi logo nhận diện thương hiệu, slogan mới “Hòa hợp cùng phát triển” nói lên bước phát triển mới của công ty.

Năm qua, Hòa Phát bán ra thị trường ba triệu tấn thép các loại, cao nhất từ trước đến nay. Công ty này tiếp tục dẫn đầu ở hai phân khúc sản phẩm thép xây dựng và ống thép, và đang thử nghiệm dây chuyền sản xuất tôn mạ công suất 400 ngàn tấn. Quy mô nhân sự của Hòa Phát vọt lên trên 15 ngàn người, tăng gần gấp đôi sau một năm, bước đệm chuẩn bị cho dự án Dung Quất. Với vốn đầu tư ba tỉ đô la Mỹ, siêu dự án được kỳ vọng đưa công ty thép số 1 Việt Nam lên vị thế mới.
“Nếu coi đất nước Việt Nam là một cơ thể thì Hòa Phát là một tế bào. Sự phát triển của Hòa Phát cũng như ngành thép dựa trên nhu cầu của một đất nước đang phát triển. Ở trong môi trường như thế nên mình có điều kiện thuận lợi để vươn lên,” ông Trần Đình Long, chủ tịch tập đoàn Hòa Phát nói trong buổi trả lời phỏng vấn Forbes Việt Nam. Buổi phỏng vấn chính thức diễn ra sau khi ông Long có tên trong danh sách tỉ phú thế giới do Forbes công bố đầu tháng 3.2018. Khi thành lập Hòa Phát vào đầu thập niên 90, ông Long và những cộng sự chưa hình dung được sức phát triển của doanh nghiệp mình hôm nay. Khả năng nắm bắt kinh doanh và sự kiên định đã đưa một doanh nghiệp tư nhân lên vị trí đứng đầu trong một ngành công nghiệp nặng quan trọng. Kinh doanh đa ngành, được biết đến nhiều nhất với thép nhưng ở lĩnh vực nào, Hòa Phát duy trì một công thức chung, theo “chiến lược xe lu”: đi đường thẳng, từ từ, kiên định tiến tới và cán đích.
“Đừng nghĩ Hòa Phát là các nhà công nghiệp, nên nhìn nhận họ là các nhà doanh nhân, là những người luôn luôn tìm kiếm các cơ hội mới và sẵn sàng chịu đựng rủi ro,” ông Vũ Quang Thịnh, tổng giám đốc công ty quản lý qũy Việt Nam Holding, cổ đông lâu năm của Hòa Phát bình luận. Sau 25 năm hoạt động, tên tuổi của tập đoàn đa ngành này hiện diện ở khắp nơi. Thép Hòa Phát, mảng kinh doanh đóng góp khoảng 85% doanh thu và 90% lợi nhuận, sản phẩm có mặt ở hầu hết các công trình quan trọng từ Bắc vào Nam. Ước tính, trong năm qua cứ bốn tấn thép xây dựng được tiêu thụ thì có một tấn thép đến từ Hòa Phát.
Xét theo đầu ra sản phẩm, ngành thép được chia làm ba nhóm chính: thép dài xây dựng, thép ống và tôn mạ. Hòa Phát đang giữ vị trí quán quân ở hai nhóm sản phẩm đầu với thị phần lần lượt 24% và 26,3%, theo thống kê của hiệp hội Thép Việt Nam (VSA). Hòa Phát cũng dẫn đầu ở mảng nội thất văn phòng và nhà ở với khoảng 40% thị phần trong nhiều năm qua. Năm qua mảng điện lạnh gắn với thương hiệu Fukini tăng trưởng 120% về doanh thu, với hơn 200 ngàn sản phẩm được tiêu thụ. Công ty tư nhân này còn rót vốn kinh doanh nông nghiệp, bất động sản nhưng các mảng kinh doanh này bị lu mờ khi mảng kinh doanh thép gia tăng lợi nhuận hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm.
Với giá trị vốn hóa bốn tỉ đô la Mỹ và tổng tài sản ba tỉ đô la Mỹ, doanh thu hơn hai tỉ đô la Mỹ, Hòa Phát thuộc nhóm những công ty niêm yết quy mô nhất thị trường chứng khoán. Năm qua, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của công ty này đều ở mức hai con số, lần lượt đạt 38% và 22%.
FPT Securities (FPTS) cho biết, nhóm doanh nghiệp niêm yết ngành thép chiếm một nửa tổng doanh thu toàn ngành thép Việt Nam. Nếu đặt con số lợi nhuận sau thuế hơn 8.000 tỉ đồng của Hòa Phát cạnh các công ty niêm yết cùng ngành, công ty tư nhân này tỏ ra vượt trội so với Hoa Sen Group (1.331 tỉ đồng), Nam Kim (707 tỉ đồng), Pomina (697 tỉ đồng), Thép Tiến Lên (340 tỉ đồng)… 
 “Xét về vòng đời, ngành thép Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2012 – 2016 đạt 17,5%/năm,” báo cáo phân tích ngành thép của FPTS nhận xét. Theo FPTS, tiêu thụ thép theo đầu người tại Việt Nam đạt khoảng 180 – 190 kg /người, thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 210 kg/người và càng thấp hơn so với mức trung bình của châu Á khoảng 260 – 270 kg/người. Quy mô ngành thép xây dựng Việt Nam hiện tại chiếm khoảng 5% GPD, tương đương khoảng 10 tỉ đô la Mỹ, trong điều kiện bình thường tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm.
 

 

Lấp đầy khoảng trống - ảnh 3
Với giá trị vốn hóa bốn tỉ đô la Mỹ và tổng tài sản ba tỉ đô la Mỹ, doanh thu hơn hai tỉ đô la Mỹ, Hòa Phát thuộc nhóm những công ty niêm yết quy mô nhất thị trường chứng khoán. Năm qua, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của công ty này đều ở mức hai con số, lần lượt đạt 38% và 22%.
FPT Securities (FPTS) cho biết, nhóm doanh nghiệp niêm yết ngành thép chiếm một nửa tổng doanh thu toàn ngành thép Việt Nam. Nếu đặt con số lợi nhuận sau thuế hơn 8.000 tỉ đồng của Hòa Phát cạnh các công ty niêm yết cùng ngành, công ty tư nhân này tỏ ra vượt trội so với Hoa Sen Group (1.331 tỉ đồng), Nam Kim (707 tỉ đồng), Pomina (697 tỉ đồng), Thép Tiến Lên (340 tỉ đồng)… 
 “Xét về vòng đời, ngành thép Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2012 – 2016 đạt 17,5%/năm,” báo cáo phân tích ngành thép của FPTS nhận xét. Theo FPTS, tiêu thụ thép theo đầu người tại Việt Nam đạt khoảng 180 – 190 kg /người, thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 210 kg/người và càng thấp hơn so với mức trung bình của châu Á khoảng 260 – 270 kg/người. Quy mô ngành thép xây dựng Việt Nam hiện tại chiếm khoảng 5% GPD, tương đương khoảng 10 tỉ đô la Mỹ, trong điều kiện bình thường tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm.
Là ngành non trẻ, ngành thép Việt Nam bắt đầu từ những năm 1960 với sự ra đời của khu công nghiệp gang thép Thái Nguyên (Tisco). Suốt thời gian dài sau đó trong nền kinh tế kế hoạch, quy mô thép sản xuất trong nước giẫm chân tại chỗ, nguồn nhập khẩu từ Liên Xô hoặc Trung Quốc đáp ứng một phần nhu cầu. Luật Đầu tư nước ngoài và luật Doanh nghiệp ra đời vào năm 1990 trở thành cú hích giúp ngành khởi sắc khi xuất hiện doanh nghiệp nước ngoài và tư nhân tham gia.
Về công nghệ, Hòa Phát đại diện cho nhóm sử dụng lò thổi oxy (BOF) khi 85% sản lượng thép sản xuất bằng công nghệ này. Trong khi đó Pomina, tên tuổi lớn phía Nam, đại diện cho xu hướng sử dụng công nghệ lò điện hồ quang (EAF). Nhiều năm qua trên thị trường thép xây dựng nội địa chứng kiến cuộc đua song hành giữa hai công ty này. Vào năm 2010, Pomina dẫn đầu thị trường thép xây dựng với thị phần 17%. Khi đó Hòa Phát ở vị trí thứ ba với thị phần 12%. Tuy nhiên với lợi thế chuỗi giá trị khép kín, có nguồn nguyên liệu đầu vào giá rẻ, đặc biệt với việc mở rộng đầu tư giai đoạn 2 và 3 khu liên hợp gang thép Hòa Phát Hải Dương, công ty từ từ thu hẹp khoảng cách và năm 2014 vươn lên dẫn đầu thị trường. Năm 2017, thị phần của Hòa Phát gấp đôi Pomina. “Vấn đề với các doanh nghiệp lớn ngành thép phụ thuộc vào nguồn thép phế liệu, trong khi đó nguồn cung hiện nay ngày càng cạn kiệt. Ngoài ra các phương pháp sản xuất phôi thép sử dụng lò điện hồ quang tiêu thụ lượng điện năng đáng kể so với lò hơi oxy,” FPTS nhận xét.
“Lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất của Hòa Phát đến từ quy mô lớn cũng như quy trình sản xuất khép kín,” báo cáo phân tích của VPBank Securities (VPBS) viết. Tổng công suất thiết kế của Hòa Phát đạt hơn 2,2 triệu tấn thép xây dựng/năm, vượt trội so với Pomina (1,1 triệu tấn), Tisco (một triệu tấn), Vina Kyoei (1,3 triệu tấn)… Theo VPBS, Hòa Phát là doanh nghiệp duy nhất trong nước khép kín chuỗi sản xuất có khả năng tự chủ nguồn nguyên liệu đầu vào, bao gồm một phần quặng sắt, tự sản xuất than coke, có nhà nhiệt điện sử dụng nhiệt từ quá trình luyện thép, đáp ứng một phần nhu cầu năng lượng của khu liên hợp. “Nhờ quy trình khép kín, đầu tư đồng bộ nên mỗi dây chuyền của Hòa Phát đi vào hoạt động chỉ mất vài tháng chạy đủ công suất. Giá bán của Hòa Phát rất cạnh tranh,” Võ Nguyễn Khoa Tuấn, phó giám đốc đầu tư của quỹ Dragon Capital đánh giá.
 
Lấp đầy khoảng trống - ảnh 4
Lấp đầy khoảng trống - ảnh 5

 

Đứng ở vị trí dẫn đầu, ông Long cảm thấy thế nào? “Hòa Phát thường không hài lòng với những gì đang có, nói ví von là chúng tôi không ngủ quên trên chiến thắng. Không bao giờ Hòa Phát lấy các thành tích quá khứ làm niềm tự hào. Chúng tôi luôn canh cánh rằng làm sao để trình độ sản xuất của mình có thể đạt mức trung bình tiên tiến của Trung Quốc,” ông Long nói. Từ giữa thập niên 1990 trung tâm ngành dịch chuyển về Trung Quốc. Sau khoảng một thập kỷ phát triển nhanh, giai đoạn 2005 – 2008, Trung Quốc đạt quy mô sản xuất chiếm một nửa tổng sản lượng thép toàn cầu, ngành công nghiệp có giá trị khoảng 900 tỉ đô la Mỹ, lớn thứ hai thế giới, theo hiệp hội Thép thế giới (WSA).
Sống cạnh một người khổng lồ, ngành thép Việt Nam đã trải qua nhiều đợt thịnh suy. Chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế thế giới và sự chững lại của kinh tế nội địa, năm 2008, thép Trung Quốc tràn sang Việt Nam, đẩy hàng trăm doanh nghiệp Việt phá sản. Cuối năm đó Hòa Phát nếm trái đắng khi ba quý đầu lợi nhuận 1.200 tỉ đồng nhưng cuối năm lợi nhuận teo tóp chỉ còn 850 tỉ đồng. Lý do, thép giá rẻ Trung Quốc làm mưa làm gió trên thị trường, hàng tồn tăng cao nên công ty phải trích lập dự phòng giảm giá. Một loạt các doanh nghiệp tên tuổi ngành thép như Hữu Liên Á Châu, Vạn Lợi… xem như xóa sổ nhưng sau đó Hòa Phát vươn lên.
Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, giai đoạn 2006 – 2008 là thời kỳ xuất hiện các dự án công nghiệp nặng có vốn đầu tư “tỉ đô” ở Việt Nam. Trong ngành thép, tập đoàn Tata Steel (Ấn Độ) tuyên bố đầu tư năm tỉ đô la xây dựng tổ hợp thép tại Hà Tĩnh, Tycoons (Đài Loan) đề xuất đầu tư một tỉ đô la Mỹ xây nhà máy công suất 5 triệu tấn thép/năm tại Dung Quất, tập đoàn Lion Group (Malaysia) liên doanh Vinashin để xây dựng tổ hợp thép Cà Ná Ninh Thuận, vốn 10 tỉ đô la Mỹ…
Tuy nhiên các dự án quy mô nói trên đều có số phận trắc trở. Nếu tập đoàn Tata Steel rút lui thì sau nhiều lần thay đổi phương án đầu tư dự án thép của Tycoons tại Dung Quất được đổi tên thành Guang Lian Dung Quất. Sau nhiều gia hạn nhưng không thể triển khai, vào cuối năm 2016 Hòa Phát thế chân Guang Lian và ngay lập tức biến dự án bỏ hoang 10 năm thành một đại công trường.
Với vốn đầu tư ba tỉ đô la Mỹ, giai đoạn 1 của dự án Hòa Phát Dung Quất hoàn thành vào đầu năm 2019, đưa tăng công suất Hòa Phát thêm hai triệu tấn, gần gấp đôi so với hiện nay. Giữa năm 2018 nhà máy thép cuộn cán nóng công suất 600 ngàn tấn sẽ đi vào hoạt động. Vào cuối năm 2019, khi dự án hoàn thành toàn bộ, công suất nâng lên bảy triệu tấn, “đưa Hòa Phát trở thành công ty thép có vị thế số 1, 2 trong khu vực Đông Nam Á” theo lời ông Long.
 
Lấp đầy khoảng trống - ảnh 6
Tuy nhiên, khi Hòa Phát chưa bắt tay vào xây dựng dự án Hòa Phát Dung Quất thì công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, công ty trực thuộc tập đoàn Formosa (Đài Loan) đã chạy thử, sản xuất thử nghiệm mẻ thép đầu tiên. Với vốn đầu tư 10 tỉ đô la Mỹ, giai đoạn 1 tổ hợp thép Formosa Hà Tĩnh cung cấp năm triệu tấn phôi thép, một phần tiêu thụ tại Việt Nam, một phần xuất khẩu.
Formosa có đe dọa ngôi vị quán quân của Hòa Phát? Chủ tịch Trần Đình Long bày tỏ: “Chúng tôi luôn quan niệm cạnh tranh là tất yếu. Nếu có thêm Formosa thì họ là đối thủ cạnh tranh có tiềm lực, rất xứng tầm. Họ cũng là tấm gương soi để bản thân mình cố gắng tốt hơn.” Ban lãnh đạo tập đoàn tỏ ra tự tin Hòa Phát Dung Quất đi vào hoạt động sẽ đủ sức cạnh tranh với Formosa do suất đầu tư chỉ bằng 1/3 đối thủ.
Dự án Dung Quất không chỉ giúp Hòa Phát tăng gấp đôi công suất, mà còn được cho đáng tự hào khi lần đầu tiên Việt Nam sản xuất được thép dẹp, “thép hightech”, sản phẩm cơ bản phát triển các ngành công nghiệp nặng quan trọng như đóng tàu, xe hơi. “Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp của người Việt tự sản xuất được mặt hàng thép cuộn cán nóng, hiện tại chỉ có Formosa sản xuất, nhưng Formosa là doanh nghiệp FDI,” ông Long nói.
Số liệu từ tổng cục Hải quan cho biết năm qua sắt thép Việt Nam xuất khẩu 3,15 tỉ đô la Mỹ, tăng 36% về lượng và 55% về giá trị. Đầu năm 2018, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôn mạ choáng váng khi bộ Thương mại Mỹ tuyên bố áp thuế suất 25% với mặt hàng thép nhập khẩu. Động thái này được giới kinh doanh lý giải nhằm ngăn chặn các sản phẩm có nguồn gốc Trung Quốc, được gia công hoặc tạm nhập vào Việt Nam để xuất sang Mỹ. “Việc dự án Hòa Phát Dung Quất đi vào hoạt động không chỉ có ý nghĩa riêng với tập đoàn mà còn giúp sản phẩm của các doanh nghiệp ngành thép nội địa chứng minh truy xuất nguồn gốc nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam, chống lại việc áp thuế bán phá giá,” chuyên viên ngành thép Nguyễn Thảo Vy của VietCapital Securities bình luận.
Ông Long sinh năm 1961 tại Hải Dương, có bằng cử nhân kinh tế đại học Kinh tế Quốc dân. Năm 1990, luật Doanh nghiệp tư nhân có hiệu lực, sau thời gian làm việc tại một công ty vật liệu xây dựng trực thuộc bộ Xây dựng, ông quyết định khởi nghiệp kinh doanh riêng. Cùng với nhóm bạn học, các cựu sinh viên trường đại học Kinh tế Kế hoạch (đại học Kinh tế Quốc dân), ông lập công ty TNHH Phụ tùng Hòa Phát, tên mang ý nghĩa “hòa hợp để phát triển”.
Vốn kinh doanh ban đầu ông Long phải huy động từ nhiều nguồn: vay mượn bạn bè, vay “nóng” bên ngoài khi hệ thống tài chính nhà nước lúc ấy chủ yếu phục vụ doanh nghiệp nhà nước. Những mặt hàng kinh doanh của Hòa Phát ở thời điểm đó là máy móc xây dựng và thiết bị cầm tay của các hãng Bosch, Nikita… Đầu tiên Hòa Phát nhập khẩu ủy thác thông qua các công ty nhà nước. Năm 1995, trước cơ hội trong mảng nội thất văn phòng, công ty nội thất Hòa Phát ra đời. Một năm sau, Hòa Phát thành lập công ty ống thép, chủ yếu vì sản phẩm bàn ghế của Hòa Phát phải sử dụng nguyên liệu ống thép nhập khẩu mà công nghệ sản xuất không khó. Doanh nhân này kể, nhu cầu thị trường tăng mạnh, có giai đoạn Hòa Phát “ở trên lợp mái, ở dưới chạy dây chuyền sản xuất” để sản phẩm kịp giao cho khách hàng. Tiếp theo họ thấy cơ hội trong việc cung cấp giàn giáo bằng thép và tiến hành sản xuất. Công ty lại thành công.
“Hơn 10 năm trước họ không biết gì về thép, chỉ làm nội thất, nếu 10 năm trước nữa họ không biết gì về nội thất, chỉ biết về máy xây dựng. Họ là những người thông minh, rất chịu khó suy nghĩ, nghiêm túc trong mọi hoạt động kinh doanh,” ông Vũ Quang Thịnh nhận xét. 
 
Lấp đầy khoảng trống - ảnh 7

Dù vậy, ngay cả khi Hòa Phát đã có vị thế trên thị trường ống thép, việc đầu tư sang ngành thép là một quyết định táo bạo. Ông Long kể lại, lúc đó người bạn thân cũng là doanh nhân tỏ ra lo lắng “có trách nhiệm”: “Ông Long làm cái gì cũng đúng nhưng bước vào làm thép thì sai. Không biết ông ấy ‘bị làm sao’ mà đâm đầu vào cái này?” Biết ngành thép vốn đầu tư lớn, đòi hỏi hội tụ cả kinh nghiệm và kỹ thuật Hòa Phát vẫn quyết tâm thực hiện vì “thị trường có nhu cầu lớn.”

Trong khi doanh nghiệp nội địa cùng ngành chỉ sử dụng máy móc thiết bị Đài Loan và Trung Quốc thì Hòa Phát chọn dây chuyền của hãng Danieli (Ý), một trong ba nhà cung ứng thiết bị ngành thép lớn trên thế giới. Ông Long, người lúc đó không còn là tay mơ với ngành công nghiệp đứng trước bài toán cân não khi quyết định mua dây chuyền cán thép hiện đại có giá trị lên tới tám triệu euro, vượt quá khả năng tài chính của Hòa Phát ở thời điểm 2001.

Gõ cửa các ngân hàng, tận dụng mọi mối quen biết, họ tìm được một ngân hàng đồng ý mở L/C cho Hòa Phát nhập khẩu dây chuyền. Nhìn lại quyết định ngày ấy, ông Long nói: “Mình đã đi nhiều, nghiên cứu nhiều. Muốn cạnh tranh tốt bắt buộc máy móc phải tốt. Ngành thép, dùng máy cũ, tạo ra sản phẩm chất lượng không cao, sức cạnh tranh không cao. Bây giờ nghĩ lại đó là một quyết định khó khăn.” Tỉ lệ đòn bẩy tài chính đầu tư cho dự án mới lên tới 90%, ban đầu tính thu hồi vốn rất dài “nhưng may mắn Hòa Phát nằm trong nền kinh tế đang phát triển, nhu cầu sắt thép tăng cao nên thu hồi vốn sớm hơn dự kiến.”

Hòa Phát gặp không ít thất bại. Khi mở rộng phạm vi hoạt động, mảng kinh doanh thiết bị cầm tay không còn hiệu quả nên công ty quyết định ngừng kinh doanh, “ngày cuối cùng gọi ô tô chở bán như bán sắt vụn”. Từng đầu tư dây chuyền sản xuất ống đồng 60 tỉ đồng nhưng mảng kinh doanh không hiệu quả Hòa Phát chấp nhận chuyển nhượng cho đối tác với giá tượng trưng một đồng. “Ở tầm công ty vào từng thời điểm, phải biết cái nào là sở trường, sở đoản. Tức là với một số ngành hàng phù hợp với quy mô kinh tế gia đình, quy mô kinh tế nhỏ thì mình không có lấn sân. Nếu làm không được thì mau chóng rút ra,” vị lãnh đạo, cựu học sinh chuyên toán nói.

Bước đột phá quan trọng nhất của Hòa Phát diễn ra vào năm 2007. Công ty chuyển đổi mô hình hoạt động theo hình thức tập đoàn, bán cổ phần lần đầu ra công chúng và niêm yết. Cùng năm đó, Hòa Phát quyết định triển khai khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Hải Dương, công suất giai đoạn 1 đạt 350 ngàn tấn, bệ phóng đưa công ty phát triển. Với quy trình khép kín, việc triển khai giai đoạn 2 (2013) và giai đoạn 3 (2016) giúp Hòa Phát chuyển từ nước kiệu sang nước đại, vượt lên các đối thủ cạnh tranh. Nhìn lại sự phát triển vị tỉ phú xếp thứ 1.756 trong danh sách của Forbes nói: “Không ai có thể thoát ly khỏi quy luật. Quy luật đầu tư lớn, giá thành phải tốt hơn đầu tư nhỏ, lớn có hiệu quả mới đầu tư,” và “Hòa Phát chọn thị trường chính, đi chính giữa và bằng xe lu, kiên định mà tiến. Có lúc chưa thấy hiệu quả ngay nhưng mình phải kiên định.”

Lãnh đạo một tập đoàn có hoạt động trải rộng từ vùng Tây Bắc đến vùng duyên hải Nam Trung Bộ, ông Long giữ thói quen đánh golf đều đặn vào ngày thứ tư và thứ bảy hằng tuần. Trong cuộc nói chuyện với Forbes Việt Nam không một lần nào điện thoại của ông đổ chuông cắt ngang cuộc phỏng vấn. Ông lý giải: “Ở Hòa Phát phân cấp rất cao, ngày hôm nay ban lãnh đạo tập đoàn chỉ làm công việc về chủ trương, tổ chức nhân sự hoặc tài chính vĩ mô. Tổ chức nhân sự điều hành những việc cụ thể gần như thế hệ F2 đang đảm nhiệm.” Ông cho biết thêm, việc triển khai dự án Hòa Phát Dung Quất do thế hệ lãnh đạo 7X đảm nhận.

 
Lấp đầy khoảng trống - ảnh 8

“Sự phân cấp rất cao” của tập đoàn có 11 thành viên thể hiện ngay ở hội đồng quản trị với bảy thành viên sáng lập ban đầu đang phụ trách các mảng kinh doanh khác nhau. Ngoài chủ tịch Long đóng vai trò đầu tàu, ông Trần Tuấn Dương, 55 tuổi, CEO phụ trách mảng kinh doanh thép xây dựng; ông Nguyễn Mạnh Tuấn, 56 tuổi, phụ trách mảng kinh doanh ống thép và tôn mạ, ông Doãn Gia Cường, 55 tuổi, phụ trách mảng kinh doanh nội thất và nông nghiệp; ông Hoàng Quang Việt, 57 tuổi, phụ trách kinh doanh bất động sản; ông Nguyễn Ngọc Quang, 58 tuổi, phụ trách nhánh kinh doanh thiết bị phụ tùng; ông Tạ Tuấn Quang, 57 tuổi, phụ trách nhánh kinh doanh điện lạnh. Tại Hòa Phát, nếu vị chủ tịch có tên khác là “Mr Trần Đình Nhanh” thể hiện khả năng ra quyết định và nắm bắt cơ hội, phụ trách chiến lược và ngoại giao thì ông Dương, CEO mạnh về điều hành được xem như sự bọc lót, bổ sung ăn ý. Nếu không bận đi công tác, sau 26 năm khởi nghiệp nhóm bạn học năm xưa, thành viên một đội bóng cùng ăn trưa, ngồi uống cà phê, sau đó mới trở về văn phòng.

Ông Long đang kỳ vọng dự án Hòa Phát Dung Quất sau khi hoàn thành sẽ đưa Hòa Phát vào nhóm 50 công ty thép lớn nhất thế giới. Vị tỉ phú công nghiệp đã nhìn thấy cơ hội lớn hơn trong khu vực ở các quốc gia kinh tế tương đồng Việt Nam như Indonesia, Philippines. Thách thức lớn nữa của Hòa Phát tác động tới môi trường của ngành thép. Ông Long cho rằng đây là vấn đề có thể giải quyết được bằng đầu tư công nghiệp xử lý hiện đại. Ông cho biết 30% vốn đầu tư ở dự án Hòa Phát Dung Quất là dành cho xử lý ô nhiễm môi trường. Tại các dự án cũ, Hòa Phát tiếp tục sửa chữa, hoàn thiện triệt để vấn đề xử lý ô nhiễm. Theo kế hoạch, Hòa Phát rót thêm 30 triệu đô la Mỹ cho các giải pháp môi trường khu liên hợp thép Hòa Phát Hải Dương trong năm nay. Ông nói: “Đầu tư thì tốn kém rất nhiều, vấn đề doanh nghiệp có mạnh dạn đầu tư hay không, chắc chắn Hòa Phát phải đầu tư.”

Theo Forbes Việt Nam

Bình luận

Gửi email
Chat với chúng tôi
Về đầu trang