04/11/2015 09:17
Luôn định hướng ngành mũi nhọn và chủ lực của tập đoàn là sản xuất và kinh doanh sắt thép, ban lãnh đạo Hòa Phát đã xác định phải chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào để không chịu những biến động của giá cả thị trường và sự lên xuống của tỉ giá.
Ngay từ năm 2007, việc đầu tư khai thác khoáng sản đã được tiến hành đồng thời để phục vụ việc đầu tư Khu liên hợp gang thép. Do đầu tư khai mỏ bài bản và nghiêm túc nhằm tạo nguồn sản xuất, Hòa Phát đã phải trải qua rất nhiều khó khăn ban đầu để có thể khai thác, chế biến được quặng sắt có hàm lượng từ 52-64% Fe. Hiện nay, tập đoàn đang được cấp phép khai thác và chế biến quặng sắt ở nhiều mỏ tại Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ với tổng trữ lượng các mỏ quặng sắt được cấp phép khai thác lên tới trên 40 triệu tấn quặng thô.
Khai thác quặng sắt tại mỏ Tùng Bá (huyện Vị Xuyên - Hà Giang)
Hai công ty con của tập đoàn gồm: Công ty CP Khoáng sản Hòa Phát và Công ty CP Đầu tư khoáng sản An Thông chịu trách nhiệm khai thác và chế biến quặng sắt phục vụ cho các nhà máy sản xuất thép tại khu liên hợp. Cả hai đều được thành lập từ năm 2007 và luôn tích cực đẩy mạnh hoạt động thăm dò khai thác và chế biến quặng sắt tại nhiều địa phương như Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Kontum. Những cán bộ kỹ sư địa chất và khai thác mỏ của Hòa Phát cần mẫn nghiên cứu hầu khắp các mỏ có hàm lượng quặng cao, đồng thời tiến hành các thủ tục xin cấp phép khai thác.
Những năm gần đây, Chính phủ và các bộ, ngành đưa ra nhiều văn bản, chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp khai thác tài nguyên phục vụ chế biến sâu trong nước, thay vì xuất khẩu. Chính sách này đã tạo thuận lợi cho Hòa Phát triển khai các dự án khai thác quặng sắt. Từ năm 2009, nhiều dự án của Tập đoàn về khai thác quặng sắt đã được khai thông, đặc biệt là việc thi công thăm dò và bảo vệ thành công dự án mỏ Tùng Bá mở rộng (huyện Vị Xuyên – Hà Giang), khẳng định thương hiệu Hòa Phát trong ngành khai thác mỏ. Hơn nữa, sự thành công của dự án là cơ sở để Công ty tiếp tục tham gia tư vấn, đấu thầu thi công các dự án khoáng sản khác.
Một trong nhiều dây chuyền chế biến quặng sắt của Hòa Phát
Đến nay, Hòa Phát được cấp phép khai thác tại các mỏ như Tiên Tinh, Linh Thành (Yên Bái), mỏ Tùng Bá, Sàng Thần và Tùng Bá mở rộng (Hà Giang) với tổng trữ lượng hơn 40 triệu tấn có hàm lượng quặng cao. Không dừng lại ở khai thác quặng thô, Hòa Phát đã chủ động đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng các nhà máy chế biến tinh quặng sắt như Âu Lâu (Yên Bái), Tắc Ái (Lào Cai), nhà máy chế biến quặng sắt Vị Xuyên và Minh Sơn (Hà Giang) với tổng công suất hiện tại khoảng 800.000 tấn tinh quặng sắt/năm. Bên cạnh đó, ngay tại Khu liên hợp (KLH) gang thép tại Hải Dương cũng có nhà máy chế biến quặng sắt công suất 300.000 tấn/năm.
Khi Hòa Phát bắt tay vào khai mỏ, một vài doanh nghiệp lớn trong ngành nghề đã có những lợi thế vượt trội. Ví dụ như một số doanh nghiệp nhà nước lớn đang khai thác các mỏ trữ lượng lớn, chất lượng quặng sắt tốt (54% đến 60% Fe), địa điểm khai thác đến nơi chế biến thậm chí gần hơn.
Không chùn bước trước những khó khăn để có thể tạo đầu ra chất lượng tốt cho sản phẩm, Hòa Phát đầu tư vào quá trình tinh luyện, làm giàu quặng. Hòa Phát sử dụng công nghệ tuyển nghiền bi quặng sắt từ magnetit, riêng với loại quặng không có từ tính limonit (tại mỏ Tắc Ái, Văn Bàn, Lào Cai) dùng công nghệ nung từ hóa bằng lò quay. Tuy phức tạp hơn công nghệ tuyển truyền thống (tuyển rửa nghiền bi) nhưng Hòa Phát đã làm chủ được công nghệ nung từ hóa bằng lò quay, nâng hàm lượng quặng sắt không từ tính TFe (51-52%Fe) lên thành quặng có từ 58 – 60%Fe, đủ tiêu chuẩn cho lò cao.
Khánh thành Nhà máy sản xuất quặng vê viên 300.000 tấn/năm tại khu công nghiệp Bình Vàng tỉnh Hà Giang
Ngoài khai thác chế biến tinh quặng sắt, từ giữa năm 2012, một thành viên khác của Hòa Phát là Công ty CP Đầu tư khoáng sản An Thông đã triển khai dự án Nhà máy sản xuất quặng vê viên 300.000 tấn/năm tại khu công nghiệp Bình Vàng tỉnh Hà Giang, nhằm mục đích chế biến sâu, giảm thiểu chi phí vận chuyển đồng thời tăng giá trị tinh quặng sắt. Nhà máy chính thức được đưa vào sản xuất ngày 15/10/2013, bảo đảm yêu cầu về quặng vê viên phục vụ cho lò cao giai đoạn II Khu liên hợp gang thép Hòa Phát.
Với tỷ lệ tiêu hao trung bình 1,7 tấn tinh quặng sắt/ 1 tấn thép xây dựng thành phẩm theo công nghệ lò cao, Hòa Phát có thể chủ động 100% nguyên liệu đầu vào của KLH trong vòng 20 năm nhờ các mỏ và nhà máy chế biến kể trên. Tuy nhiên, tập đoàn vẫn linh hoạt thu mua quặng sắt từ các nguồn khác với giá thành hợp lý khi có cơ hội nhằm tạo “của để dành” cho sản xuất lâu dài.
Nhìn xa hơn, sự chủ động và linh hoạt trong khai thác, chế biến các nguồn quặng sắt trữ lượng lớn và nhà máy than coke đảm bảo chất lượng giúp Hòa Phát hạn chế tối đa sự phụ thuộc và tính biến động liên tục của thị trường khai khoáng, ổn định sản xuất. Nói khác đi, việc chủ động nguyên liệu đầu vào là một đảm bảo bằng vàng cho sự phát triển bền vững cũng như sức cạnh tranh cho thép Hòa Phát.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Tin liên quan
29/04/2025 11:46
28/04/2025 14:36
25/04/2025 19:53
22/04/2025 17:10
17/04/2025 14:00
Bình luận