22/09/2020 15:41
(Enternews.vn) Tài sản của tỷ phú Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đạt 1,2 tỷ USD khi thị phần thép tăng lên 32%.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, ông Trần Đình Long đặt mục tiêu năm 2021, lò cao thứ 4 – cũng là lò cao cuối cùng của Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất sẽ đi vào hoạt động ổn định.
Lũy kế 8 tháng, tiêu thụ tôn Hòa Phát tăng 145% so với cùng kỳ.
Khi đó, sản lượng phôi thép có thể đạt 8 triệu tấn/năm và Hòa Phát sẽ vượt Formosa để trở thành doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam.
Thị trường tiêu thụ lớn nhất của Hòa Phát là khu vực phía Bắc với sản lượng trên 1 triệu tấn. Miền Nam lần đầu vượt mốc 500.000 tấn sau 8 tháng, miền Trung và xuất khẩu ghi nhận lần lượt gần 302.000 tấn và 311.000 tấn.
Với mảng ống thép, Hòa Phát cũng dẫn đầu với 31,1% thị phần, sản lượng tiêu thụ 8 tháng đạt xấp xỉ 500.000 tấn. Các dòng sản phẩm chủ yếu của Hòa Phát là ống thép tôn mạ kẽm, ống thép cỡ lớn (ⱷ325), ống thép mạ kẽm nhúng nóng, ống thép đen hàn.
Tiêu thụ của Hòa Phát tăng mạnh so với năm ngoái là do Khu liên hợp Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi) với quy mô đầu tư 60.000 tỷ đồng được triển khai từ năm 2017.
Khu liên hợp này có hai dòng sản phẩm chính là thép dài xây dựng và thép dẹt cán nóng, công suất khoảng 5 triệu tấn/năm. Ngoài ra, cảng nước sâu của Khu liên hợp cho phép Hòa Phát thuận lợi hơn trong xuất khẩu và bán hàng ở khu vực miền Nam.
Hiện nay Khu liên hợp Dung Quất đã vận hành 4/4 lò thổi và 3/4 lò cao. Lò cao cuối cùng dự kiến sẽ hoạt động từ đầu năm 2021. Dự kiến trong tháng 9 này, Hòa Phát sẽ đưa sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) do Khu liên hợp Dung Quất sản xuất bán ra thị trường.
Tập đoàn Hòa Phát còn cho biết, trong tháng 8, sản lượng bán sản phẩm tôn ghi nhận cao gấp hai lần so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng, tiêu thụ tôn Hòa Phát tăng 145% so với cùng kỳ, trong đó các dòng sản phẩm chính gồm tôn mạ màu, tôn mạ lạnh và tôn mạ kẽm.
Theo nhận định của lãnh đạo Hòa Phát, việc giá thép cuộn cán nóng (HRC) tăng mạnh từ 480 lên 535 USD/tấn và gói hỗ trợ kinh tế 62.000 tỷ đồng của Chính phủ đã có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh ống thép và tôn mạ của Tập đoàn Hòa Phát.
Ngoài tiêu thụ trong nước, Hòa Phát cũng xuất khẩu tôn đi Đài Loan, Ấn Độ, Mỹ, Mexico, Thái Lan, Indonesia với sản lượng 8 tháng đầu năm 2020 tăng hơn 10% so với cùng kì năm ngoái.
Một số hợp đồng xuất khẩu đã được kí kết và giao hàng đến hết tháng 11/2020. Tuy nhiên Hòa Phát vẫn chưa góp tên trong top 5 thị phần tôn mạ kim loại và sơn phủ màu.
Nhìn lại lịch sử, năm 2017, một năm sau khi Tập đoàn hoàn thành giai đoạn 3 – Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Hải Dương, thị phần thép Hòa Phát tăng lên 22,2%. Đây là lần đầu tiên Hòa Phát vượt qua khối VnSteel (Tổng Công ty Thép Việt Nam), khẳng định vị thế số 1 trong ngành thép.
Từ 2018 đến nay, với lượng sản phẩm ngày càng ổn định của Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi), thép xây dựng Hòa Phát đã cho thấy sự bứt phá về tăng trưởng.
Nếu trong giai đoạn 2010-2017, thị phần được tăng thêm 10% sau tới 7 năm, nhưng từ khi có sản phẩm từ Dung Quất, thép Hòa Phát chỉ mất chưa đầy 3 năm để chiếm lĩnh thêm 10% dung lượng thị trường, từ 22% lên 32%.
Kết quả trên là tổng hợp của nhiều yếu tố như chất lượng sản phẩm thép làm từ quặng đã được khẳng định, giá thành cạnh tranh, khả năng cung ứng nhanh và đầy đủ nhu cầu của thị trường, cả về chủng loại, mác thép…
Tuy nhiên, điểm mấu chốt là chiến lược mở rộng chiếm lĩnh thị trường miền Nam trong khoảng 5 năm trở lại đây của Tập đoàn. Từ chiến lược này, dự án Khu liên hợp Dung Quất quy mô đầu tư 60.000 tỷ đồng đã được triển khai từ năm 2017, với 2 dòng sản phẩm chính là thép dài xây dựng và thép dẹt cán nóng, công suất khoảng 5 triệu tấn/năm.
Chỉ sau hơn 1 năm triển khai, Khu liên hợp tại Quảng Ngãi đã có những sản phẩm đầu tiên cung cấp cho thị trường và đang đóng vai trò chính trong thúc đẩy tăng trưởng thị phần thép Hòa Phát.
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư quý I/2020, ông Trần Đình Long phân tích, trong năm 2020 thị trường tiêu thụ thép vẫn sẽ tăng trưởng dương do Chính phủ thúc đẩy đầu tư công cho các công trình cơ sở hạ tầng.
Đánh giá về tác động của COVID-19, ông Long cho rằng, ngành thép ít bị ảnh hưởng sau khi các nền kinh tế phong tỏa thì hậu tái thiết sẽ phải đầu tư công rất nhiều. Gói đầu tư công 700.000 tỷ đồng của Việt Nam chủ yếu giải ngân vào đường xá, cầu cống thì thép sẽ tiêu thụ tương đối tốt. “Năm 2020 tăng trưởng tiêu thụ thép sẽ là số dương chứ không phải số âm”, ông Long nhận định.
Còn theo quan điểm của VNDirect trước đó, khu liên hợp thép Dung Quất sẽ là chìa khóa giúp HPG thay đổi “cuộc chơi” của toàn bộ ngành thép trong nước. Khi thành phần của Dung Quất giai đoạn 1 đi vào hoạt động, HPG sẽ rút ngắn được thời gian vận chuyển thép xuống miền Nam xuống chỉ còn 3 ngày, so với mức 7 ngày trước đây.
Cùng với chiến lược cạnh tranh về giá, VNDirect cho rằng HPG sẽ hiện thực hóa được mục tiêu giành khoảng 35-40% thị phần tại khu vực phía Nam (so với mức 13,8% của năm 2019).
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Tin liên quan
25/10/2024 09:00
08/04/2023 17:00
19/08/2021 10:00
20/08/2021 10:00
19/04/2021 10:00
Bình luận