Hòa Phát lên sàn

16/10/2015 09:38

Ngày 30/01/2007 tại Hà Nội, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược và thỏa thuận cung ứng tín dụng, dịch vụ ngân hàng với Tập đoàn Hòa Phát (HPG). Theo đó, BIDV đang tiến hành đàm phán mua cổ phiếu của HPG để trở thành cổ đông chiến lược của Tập đoàn.   Hiện, HPG cũng đang tích cực chuẩn bị để niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch TP.HCM vào đầu năm 2008. Dịp này, Thời báo Kinh tế Sài gòn đã có cuộc trao đổi với Ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Công ty Cổ Phần Tập Đoàn Hòa Phát.   Thưa Ông, tại sao Hòa Phát lại chọn BIDV là cổ đông chiến lược? Ông có thể cho biết cụ thể hơn về những thỏa thuận vừa ký kết?   Thực ra, từ nhiều năm nay chúng tôi đã có mối quan hệ rất tốt với BIDV. Hòa Phát luôn là một khách hàng lớn của BIDV. Do vậy, việc chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với BIDV được xem là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển của HPG trong giai đoạn mới. Theo thỏa thuận được ký kết, ngoài các dự án cung cấp tín dụng cũ đang thực hiện, BIDV cam kết sẽ tài trợ các dự án đầu tư mới của Hòa Phát, trước mắt là dự án xậy dựng nhà máy xi măng tại Hà Nam với tổng mức đầu tư trên 1.300 tỷ đồng. Đồng thời BIDV cam kết cung cấp cho Hòa Phát hạn mức tín dụng đầy đủ cho tập đoàn hoạt động. Đặc biệt, hiện nay hai bên đang tiến hành đàm phán để BIDV có thể mua cổ phiếu của Hòa Phát và trở thành cổ đông chiến lược của HPG trong thời gian tới. Ngược lại, khi BIDV tiến hành cổ phần hóa và lên sàn Chứng khoán, Hòa Phát cũng sẽ đàm phán, mua cổ phiếu BIDV để trở thành cổ đông chiến lược của BIDV. Hòa phát vừa hợp nhất các công ty con thành HPG, Ông có thể cho biết rõ hơn về HPG?   HPG với số vốn điều lệ là 1.100 tỷ đồng được thành lập dựa trên việc hợp nhất 7 thành viên: Công ty Thiết bị phụ tùng Hòa Phát, Công ty Nội thất Hòa Phát, Công ty Ống Thép Hòa Phát, Công ty Điện lạnh Hòa Phát, Công ty Xây dựng và Phát triển đô thị Hòa Phát, Công ty Thương mại Hòa Phát và Công ty Thép Hòa Phát. Việc hợp nhất này nhằm tạo nên sức mạnh để HPG nâng cao khả năng cạnh tranh trên sân chơi toàn cầu khi Việt Nam gia nhập WTO. Ở đây, Tôi xin giải thích rõ thêm một chút, HPG hiện nay gồm 2 bộ phận chính: Bộ phận sản xuất và Kinh doanh gồm nhà máy sản xuất phôi thép và nhà máy cán thép; Bộ phận quản lý và đầu tư tài chính với chức năng điều phối, quản lý toàn bộ hoạt động tài chính đầu tư của các công ty thành viên. Điều gì đã làm nên thương hiệu và tạo lợi nhuận cho HPG, thưa Ông?   Hiện nay các mặt hàng mà Hòa Phát đang sản xuất kinh doanh đều đang là những mặt hàng có thương hiệu và chiếm một thị phần đáng kể. Ra đời đầu tiên, Công ty Thiết bị phụ tùng Hòa Phát đã tạo được uy tín nhất định trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh máy Xây dựng, máy khai thác đá với doanh số năm 2006 đạt 250 tỷ đồng. Công ty Nội thất Hòa Phát nhiều năm liền đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao cũng được xem là Công ty lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực này. Với 6 nhà máy và 2.500 công nhân, doanh số năm 2006 của công ty đạt 700 tỷ đồng với tốc độ phát triển hàng năm từ 20 – 25%. Công ty Ống thép Hòa Phát hiện là công ty có sản lượng và doanh số lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất Ống thép đen và mạ. Với hệ thống nhà máy, chi nhánh và các đại lý bán hàng trải dài trên toàn quốc, doanh số năm 2006 của công ty đạt 900 tỷ đồng. Công ty Thép Hòa Phát (đã trở thành một bộ phận HPG từ đầu năm 2007) với 2 bộ phận chính là nhà máy sản xuất phôi thép và nhà máy cán thép xây dựng cũng đang chiếm thị phần lớn. Do chủ động được nguồn phôi thép với giá thành hạ, trong năm 2006, khi các công ty khác cùng ngành gặp khó khăn thì Thép Hòa Phát vẫn sản xuất ổn định với sản lượng đạt 180.000 tấn, tổng doanh thu 1.400 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 75 tỷ đồng, tốc độ phát triển đạt 30%. Riêng công ty Điện lạnh Hòa Phát mặc dù mới hoạt động từ năm 2001 nhưng với tốc độ phát triển đạt khoảng 30%, riêng doanh số trong năm 2006 là 250 tỷ đồng, Điện lạnh Hòa Phát đã trở thành công ty có doanh số và sản lượng thuộc loại lớn trong số các công ty cùng ngành tại Việt Nam. Ông có thể thông tin thêm về những dự án sẽ triển khai sắp tới cũng như khi nào cổ phiếu Hòa Phát sẽ chính thức niêm yết trên thị trường Chứng khoán?   Cung với việc nâng cao năng lực, mở rộng và phát triển các mặt hàng truyền thống, năm 2007 và những năm tới chúng tôi sẽ triển khai một loạt các dự án mới. Cụ thể là dự án nhà máy xi măng có công suất giai đoạn 1 là 1 triệu tấn/năm, giai đoạn 2 sẽ nâng lên 2 triệu tấn/năm tại tỉnh Hà Nam. Dự án có tổng đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng. Dự kiến, những sản phẩm đầu tiên sẽ ra đời vào đầu năm 2008 và hoàn thiện đi vào sản xuất từ năm 2009. Kế đến dự án khu công nghiệp Phố Nối A (Hưng Yên) hiện đang được triển khai trên diện tích 390 ha và sẽ được mở rộng lên tới 600 ha trong giai đoạn hai. Đây là khu công nghiệp có vị trí rất thuận lợi do nằm gần Hà Nội và cảng Hải Phòng. Một dự án lớn nữa đang ráo riết được thực hiện là công trình xây dựng Tòa nhà văn phòng cao cấp cho thuê tại số 21-23 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội trên dịch tích 800m2. Song song đó, Hòa Phát cũng đang xúc tiến, lựa chọn đầu tư vào các dự án bất đống sản và các đầu tư về tài chính khác. Đồng thời Hòa Phát cũng chuẩn bị các điều kiện để có thể niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong quý 2/2008 tại TTGDCK TPHCM.  

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Bình luận

Gửi email
Chat với chúng tôi
Về đầu trang