Doanh nhân Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát: Thép vẫn là bánh mỳ của công nghiệp

23/02/2018 16:36

Không mang sứ mệnh lịch sử của ngành thép với bề dày tháng năm, thẳng tiến kiểu xe lu chậm, nhưng chắc, sau 18 năm có mặt trong ngành thép, Hòa Phát đã bứt phá ngoạn mục để đứng vào vị trí số 1.

Chiến lược tốt, quản trị hiện đại

“Vài năm nay, mọi người nhìn thép rất xấu, nhưng thép vẫn được coi là bánh mì của công nghiệp và tại những nước công nghiệp hoá mới như chúng ta, nhu cầu thép vẫn còn tăng”, đó là chia sẻ chân tình của ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát khi nói về những mối quan tâm của dư luận thời gian gần đây trước những biến động lớn trong ngành thép lẫn tương lai của ngành này tại Việt Nam.

Không phải ai cũng nhận ra việc Việt Nam đã bước lên ngôi vị số 1 về tiêu thụ thép tại khu vực Đông Nam Á trong năm 2017, vượt qua cả Indonesia - quốc gia có số dân gấp 2 lần Việt Nam. Nhu cầu tăng, nguồn cung tất yếu tăng theo, tạo cơ hội cho những người đang làm thép một cách bài bản.

Doanh nhân, CT HĐQT tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long

 

Thép cũng không phải là lĩnh vực đầu tiên mà ông Trần Đình Long cùng bạn bè chọn để dấn thân khi quyết định lập nghiệp với tên gọi Hòa Phát cách đây 26 năm. Khởi đầu từ một công ty chuyên buôn bán các loại máy xây dựng từ tháng 8/1992, Hòa Phát lần lượt mở rộng sang lĩnh vực nội thất vào năm 1995, rồi đến ống thép năm 1996. Tới tận năm 2000, “thép xây dựng” mới xuất hiện trong từ điển của... Hòa Phát. Chả vậy mà, trong Quy hoạch Phát triển ngành thép được phê duyệt hồi năm 2001 theo Quyết định 134/2001/QĐ-TTg, từ “Hòa Phát” không hề xuất hiện ở bất cứ dòng nào.

Tuy nhiên, Hòa Phát định hình được thế và lực của mình lại chính bằng ngành thép.

Người Hòa Phát vẫn thường nhắc tới câu chuyện ông Long dấn bước vào ngành thép từ câu nhận xét “biết gì về thép mà làm” của một trùm buôn thép những năm cuối 90 của thế kỷ trước. Khi ấy, ông Long chỉ là tay mơ trong lĩnh vực thép, vị trí những ông trùm, bà trùm đầy uy lực trong giới buôn thép đều nằm tại đất Thái Nguyên.

Thậm chí, ngay cả trong 5- 7 năm đầu tiên của sự nghiệp thép, Hòa Phát cũng không phải là cái tên được nhắc tới nhiều hay được đánh giá cao so với một ông lớn tư nhân khác cũng làm về thép ở vùng Đông Nam Bộ.

Nhưng “thép như chảy trong huyết mạch, có trong từng tế bào” khiến ông Long và các cộng sự càng làm càng mê. Năm 2007, khi Khu liên hợp Gang thép tại Hải Dương của Hòa Phát được xây dựng, mục tiêu trở thành nhà sản xuất thép hàng đầu Việt Nam tiếp tục có những định hình rõ nét.

Nói là vậy, nhưng ngay cả dự án được xem là mở ra trang mới cho Hòa Phát cũng không bằng phẳng trong thời gian đầu. Chính những lãnh đạo Hòa Phát cũng không phủ nhận sự non trẻ, ít kinh nghiệm trong lựa chọn thiết bị của giai đoạn I dự án trên, khiến kết quả không đạt ngay như mong đợi.

Thực tế chính là sự trưởng thành quý báu với ông Long và các cộng sự của mình để đi xa hơn với ngành thép. Thay vì phải mất cả năm để đạt tới 90% công suất như trong giai đoạn I, ở giai đoạn II của Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại Hải Dương, Hòa Phát chỉ mất 3 tháng để đạt 100% công suất thiết kế và sau khi hoàn tất giai đoạn III, Hòa Phát đã bật dậy nhanh chóng để đứng vào vị trí đầu của làng thép xây dựng Việt Nam.

Với các đồng nghiệp làm thép khác, thành công mà Hòa Phát đạt được đến giờ là bởi chiến lược tốt, cơ cấu cổ đông tốt, quản trị hiện đại.

Trong cơ cấu cổ đông hiện tại của Hòa Phát, khối ngoại chiếm hơn 35% vốn điều lệ, với sự có mặt của nhiều quỹ, ngân hàng hay tổ chức tài chính. Nhiều bộ óc nhanh nhạy và am hiểu đã mang lại thêm những giải pháp và kiến thức quản trị tốt trong hoạt động của Hòa Phát.

Lợi thế công ty cổ phần cũng giúp Hòa Phát có thể đưa ra các quyết định rất nhanh chóng, tận dụng được thời cơ quan trọng trong quá trình phát triển. Bắt đầu gần như từ số 0, tới năm 2016, khi Khu liên hợp Gang thép tại Hải Dương hoàn thiện, Hòa Phát có công suất 2 triệu tấn thép với gần 5.000 lao động.

Ông Long tính toán, tại một đất nước đang phát triển như Việt Nam, ngành công nghiệp nặng như thép có tốc độ tăng trưởng bình quân 10%/năm. Khi thị trường tiếp tục nở to ra mà doanh nghiệp không đầu tư mở rộng, xây dựng nhà máy thì rõ ràng sẽ bị chậm lại, thị phần giảm xuống.

Với người lãnh đạo trầm tính, nhưng quyết liệt này, Hòa Phát không hề dừng bước và cũng không thể  đi chậm lại.

Dừng lại là chết

Đó là câu nói được Chủ tịch Hòa Phát thuyết phục những người đồng hành và các cổ đông đừng ngủ quên trên những thành tích đã đạt được khi quyết định dấn bước tiếp cùng Dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất - vừa lớn về quy mô, sản lượng và còn đầy thách thức.

Từ chỗ chỉ biết nhập khẩu thép từ Trung Quốc và phải có thuế tự vệ để bảo hộ sản xuất trong nước, Việt Nam đã xuất ngược lại 1 lô hàng vào thị trường khổng lồ này ngay trong tháng 1/2018.

Theo ông Long, từ nay tới năm 2030, triển vọng của ngành thép Việt Nam là tốt, tất nhiên là thách thức cũng rất nhiều, vì ngành thép Việt Nam chỉ là chấm nhỏ trên bản đồ ngành thép thế giới.

Triển vọng này xuất phát từ thực tế, nước sản xuất thép lớn nhất thế giới hiện nay là Trung Quốc đã có những thay đổi lớn về chiến lược với ngành thép từ giữa năm 2017, khi quyết định chọn sạch hơn, giá trị cao hơn. Với mức thu nhập bình quân đầu người hơn 10.000 USD, nhu cầu của người dân Trung Quốc được sống sạch hơn đã khiến khoảng 150 triệu tấn công suất của các nhà máy sản xuất gây ô nhiễm môi trường bị đóng cửa hoặc bị loại bỏ tại Trung Quốc. Điều này đã khiến thị trường thép thế giới có những hụt hẫng nhất định và trở nên khan hàng hơn.

Từ chỗ chỉ biết nhập khẩu thép từ Trung Quốc và phải có thuế tự vệ để bảo hộ sản xuất thép trong nước, Việt Nam đã xuất ngược lại 1 lô hàng vào thị trường khổng lồ này ngay trong tháng 1/2018.

Không bằng lòng với quan điểm cho rằng, ngành thép được hưởng lợi từ thuế tự vệ, bởi thuế là để chống dư thừa, nay không dư nữa thì thuế cũng chả có tác dụng, ông Long nhìn nhận, Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở cao khi kim ngạch xuất nhập khẩu đạt tới hơn 425 tỷ USD, vì vậy, không thể có chuyện bảo hộ mạnh được. Trong khi dư luận ồn ào về bảo hộ, Hòa Phát vẫn bình tĩnh thẳng tiến với công việc của mình để nhằm tới những đích xa hơn.

Góc nhìn của doanh nhân Trần Đình Long

Kinh tế số là xu hướng không cưỡng được, nhưng cũng phải tính trong khả năng hấp thụ và trình độ tay nghề của công nhân. Đấy không phải là mốt. Chưa cần sang tới châu Âu hay Mỹ, chỉ cần sang tới Trung Quốc, cũng đã thấy hiện đại hoá kinh khủng, nhà máy toàn thấy robot làm việc. Trong xu hướng này, ai nhanh thì thuận lợi hơn.

Cổ đông luôn muốn chia tiền nhiều, người cầm cân nẩy mực hoạt động doanh nghiệp thì muốn có thêm tiền để tái đầu tư nên có mâu thuẫn là tất yếu. Mâu thuẫn cũng là động lực của phát triển.

Thế hệ tôi, Hoà Phát chắc chắn không bán thương hiệu sau khi đã được làm cho tốt lên.

Các thế hệ kế tiếp theo của Hoà Phát được đào tạo tử tế, nhưng cũng vào làm việc tại Hoà Phát như những người bình thường. Vươn lên được hay không là do bản thân chứ không phải do bố mẹ hỗ trợ. Tôi rất ghét chuyện con ông cháu cha, một mình một giờ. Đã đi làm tại Hoà Phát là theo đúng giờ, ăn cơm trưa như các nhân viên khác và khẳng định luôn là không có bất cứ chuyện ưu tiên, ưu đãi gì cả. 

Đồ dùng cá nhân của tôi không quá đắt tiền, vì quan điểm của tôi là, các vật dụng phục vụ cuộc sống của mình. Tôi mua máy bay vì nghĩ đi mỏ nhiều nên mua, nhưng thực tế vận hành không tiện nên lại bán. Tôi không có bộ sưu tập siêu xe, tôi mua Bentley vì thích thiết kế này hơn cả.

“Chúng tôi không chỉ chinh phục thị trường Việt Nam, mà có định hướng là xuất khẩu nhiều hơn”, ông Long nói. Cũng chính bởi tầm nhìn này mà trong các cuộc kiện chống bán phá giá với thép sản xuất tại Việt Nam ở một số thị trường xuất khẩu được nước sở tại đặt ra, Hòa Phát là đơn vị hợp tác nhiệt tình nhất.

“Không thể chơi với tâm thế mặc kệ hoặc cùn được, mà phải hợp tác, phải chấp nhận mất chi phí thuê luật sư, bởi nếu bị áp thuế thì thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều. Thực tế cũng chứng minh, khi Hòa Phát làm tốt việc thuê luật sư, hợp tác với cơ quan điều tra thì đều không bị áp thuế hoặc thuế ở mức rất thấp”, ông Long chia sẻ kinh nghiệm.

Với trên 80% doanh thu và lợi nhuận đến từ thép, Hòa Phát cũng đang dồn toàn lực cho thép, nhưng vẫn không bỏ rơi các lĩnh vực mới đã bước vào như thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi. Tuy nhiên, cách làm hiện tại trong nông nghiệp là “để lấy kinh nghiệm và không tăng tốc”.

Không chỉ triển khai với tốc độ nhanh, mất khoảng 30 tháng để đưa cả 2 giai đoạn đi vào hoạt động, Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất với vốn đầu tư 3 tỷ USD được kỳ vọng là điểm nhấn khi quyết định chọn sạch, hiện đại để đi đường dài với thép. 

Ngoài chi phí môi trường chiếm từ 25 - 35% trong tổng vốn đầu tư, câu chuyện áp dụng thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ được triển khai mạnh tại dự án siêu khủng này.

Hào hứng khi nhắc tới kế hoạch đầu năm 2020, thép cuộn cán nóng - sản phẩm cao cấp nhất của ngành thép sẽ lần đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam, do chính bàn tay, trí tuệ, tiền bạc và công sức của người Việt Nam tại chính Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất, ông Long cũng không khỏi trầm tư khi nhắc tới kế hoạch chinh phục thị trường ngoài nước. “Thời điểm này, chúng tôi chưa nghĩ tới việc mua bán hay đầu tư một cơ sở sản xuất ở nước ngoài, bởi tâm trí và tiền bạc đang dồn hết cho dự án tại Dung Quất, nhưng đúng là muốn mạnh hơn, đi được xa hơn thì chuyện đầu tư ra nước ngoài là tất yếu”. 

Một tầm nhìn khởi đầu để xây dựng một “đế chế” bền vững hơn, dài lâu hơn của Hòa Phát, cũng như câu chuyện mà ông Long và cộng sự đã làm được cách đây 18 năm, khi chập chững bước chân vào ngành thép xây dựng.

Thanh Hương

Bình luận

Gửi email
Chat với chúng tôi
Về đầu trang