Vị Quản đốc “lục tuần” luôn sục sôi tinh thần cải tiến

27/08/2019 10:58

38297960-2108757412784842-3771663373939245056-n

Ở tuổi lục tuần nhiều người chỉ muốn an dưỡng, chăm cây cảnh hay đi tập dưỡng sinh, thì nhân vật tuần này của HPG News không chỉ vẫn miệt mài làm việc mà còn không ngừng sáng tạo, cải tiến, tiết kiệm hàng trăm triệu đồng cho công ty Ống Thép Hòa Phát.

Nhiệt huyết hừng hực cùng tinh thần luôn sẵn sàng nghiên cứu, học hỏi và đổi mới mà chúng tôi cảm nhận được ở chú, là điều thậm chí còn khó tìm được ở nhiều bạn trẻ. Cùng xem chân dung vị “lão thành” cơ điện nhưng tinh thần thanh niên này nhé.

z1070541435366-005a7040bb2970cadf53665c558c3562

Họ tên: Đinh Văn Chủ

Ngày sinh: 28/2/1958

Chức danh: Quản đốc xưởng cơ điện – Nhà máy Ống thép Hòa Phát Hưng Yên

Số năm công tác tại Hòa Phát: 21 năm

Sở thích: Các môn thể thao đối kháng

Tinh thần trẻ trung, rực lửa và không ngại thử thách hình như có thể thấy rõ ngay từ sở thích của chú Đinh Văn Chủ, đó là các môn thể thao đối kháng và đặc biệt là môn quyền anh.

Vào đầu năm 2017, tại nhà máy ống thép Hòa Phát Hưng Yên chỉ còn duy nhất 1 bơm kẽm của Đức là còn hoạt động. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi nếu xảy ra sự cố như tắc đường ống, hỏng bơm… khi trùng tu, bảo dưỡng tại các dây chuyền mạ ống và mạ dải mà không có bơm kẽm khác dự phòng để thay thế ngay lập tức, thì thiệt hại gây ra sẽ không nhỏ.

Khi ấy, chủ Chủ nhìn lại những gì mình đang có trong tay. Gần như mọi vật tư có sẵn đây rồi: thép CT10, thép C45, thép CT3, ống, khung treo bơm, khớp nối, động cơ bơm…, cắt từ những vật dụng cũ hỏng của nhà máy như bể mạ, máy bơm…

Một ý nghĩ lóe lên: vậy thay vì mua bơm mới, tại sao không thử tận dụng những thứ sẵn có để tự chế tạo máy bơm? Nghĩ là làm, chú Chủ quyết định trình bày và thuyết phục ban lãnh đạo về ý tưởng của mình. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, ban lãnh đạo đã phê duyệt và tạo điều kiện cho chú thực hiện công trình của mình.

Việc chế tạo một chiếc bơm có công năng tương đương chiếc bơm Đức với giá thị trường là 600 triệu đồng, chắc chắn không phải là công việc đơn giản. Thế nhưng sau khi ròng rã gần 4 tháng tháng trời và huy động tới tổng cộng 26 nhân lực, đến ngày 15/8/2017, công trình của chú cũng đã hoàn thành, bơm thử cho thấy hoạt động tốt và ổn định.

“Chân dung” chiếc máy bơm kẽm lỏng. Trông giản dị thế này mà mua mới là 600 triệu đấy!

Trong quá trình thực hiện có gặp phải một số khó khăn, trong đó phức tạp nhất đó là phải tiện trục dài, trong khi máy móc của mình hiện có lại không thực hiện được kỹ thuật này.

Hỏi chú, vậy chú làm thế nào để khắc phục? Chú trả lời nhẹ bẫng: “Lại cải tiến trên cải tiến thôi”. Cả đội lại bắt tay vào miệt mài sáng tạo thiết bị đáp ứng được yêu cầu này, cũng may việc ấy cũng không tốn quá nhiều thời gian.

Mặc dù sáng chế được một thiết bị làm lợi cho công ty tới hàng trăm triệu đồng chỉ với đúng 20 triệu đồng chi phí, nhưng chú Chủ vẫn khiêm tốn: “Thật ra thì cải tiến nó là công việc hàng ngày rồi. Thành công này cũng không có gì bất ngờ cả, bình thường thôi mà, nhưng chú rất vui bởi thành quả của chú đã được công nhận, lại còn được ban lãnh đạo tặng thưởng “to” nữa.”.

Điều hạnh phúc nhất của chú Chủ là sáng kiến được ghi nhận, được đưa vào sử dụng trong thực tế, sáng kiến đã, đang và sẽ sống mãi cùng với sự phát triển của nhà máy.

Là một trong số những cán bộ đồng hành cùng Hòa Phát từ những ngày đầu tiên thành lập, chú Chủ rất mừng khi chứng kiến sự tăng trưởng thần kỳ của Tập đoàn, kéo theo đó là môi trường làm việc, chế độ chính sách, đời sống tinh thần của cán bộ công nhân viên ngày càng được nâng cao. Chú tin rằng, đây là nơi rất tuyệt để các kỹ sư / cán bộ được đào tạo cũng như không ngừng thử sức mình.

Ở tuổi lục tuần, chú Chủ vẫn chưa có ý định an dưỡng. “Tầm ngắm” mới của chú là mười mấy cái lò ủ cũ hỏng, nếu mua mới thì khoảng 300 triệu đồng/chiếc. Có cảm tưởng, trong đầu của vị quản đốc đã lên chức ông này, lúc nào cũng nhộn nhịp ý tưởng hàng ngày, hàng giờ.

Vương Hằng

Bình luận

Gửi email
Chat với chúng tôi
Về đầu trang